Tên luận án: Thiết kế bài tập phân bậc theo thang Bloom trong dạy học phân hóa ở tiểu học
Tên chuyên ngành: Lý luận và lịch sử giáo dục Mã số: 09.14.01.02
Tên nghiên cứu sinh: Vũ Thu Hằng Khóa đào tạo: 2015
Chức danh khoa học, học vị, tên người hướng dẫn:
Hướng dẫn 1 : PGS.TS. Phó Đức Hòa
Hướng dẫn 2 : TS. Lương Việt Thái
Tên cơ sở đào tạo: Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận, những điểm mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án
Đóng góp về mặt học thuật, lí luận
Luận án là một công trình khoa học chuyên sâu, có hệ thống về thiết kế bài tập phân bậc (BTPB) theo thang Bloom trong dạy học phân hóa (DHPH) ở tiểu học. Kết quả nghiên cứu có những điểm như sau:
– Hệ thống hóa cơ sở lý luận và thực tiễn về BTPB theo thang Bloom trong DHPH trong dạy học tiểu học.
– Đề xuất quy trình thiết kế và sử dụng BTPB trong DHPH theo thang Bloom trong dạy học các môn ở tiểu học đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Kết luận chính và đề xuất rút ra từ kết quả nghiên cứu
- DHPH là một trong những phương pháp dạy học tích cực đáp ứng yêu cầu của chương trình phổ thông 2018. BTPB theo thang Bloom không những kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh mà còn được xem như công cụ hữu ích trong việc vận dụng phương pháp DHPH ở cấp tiểu học.
BTPB theo thang Bloom trong DHPH được thiết kế theo quy trình sẽ giúp phân loại mức độ nhận thức và điều chỉnh quá trình dạy học đáp ứng yêu cầu cần đạt về năng lực và phẩm chất cho học sinh tiểu học, phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay.
- Kết quả khảo sát thực trạng cho thấy: Mặc dù đội ngũ giáo viên tiểu học đã có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của BTPB theo thang Bloom trong DHPH. Tuy nhiên, điều này cũng chỉ dừng lại về mặt lí thuyết bởi việc thiết kế và sử dụng BTPB chưa được thực hiện một cách quy mô bởi những yếu tố khách quan cũng như chủ quan từ phía giáo viên.
- Xây dựng quy trình thiết kế bài tập phân bậc theo thang Bloom trên cơ sở tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản như nguyên tắc đảm bảo tính mục tiêu, nguyên tắc đảm bảo tính hệ thống, nguyên tắc đảm bảo tính phân hóa và vừa sức học sinh, nguyên tắc đảm bảo tính tích cực của học sinh.
Các bước cụ thể như sau: Bước 1: Xác định mục tiêu học tập ; Bước 2: Phân tích nhu cầu học tập của HS; Bước 3: Phân tích nội dung học tập; Bước 4: Mã hóa nội dung học tập vào bài tập; Bước 5: Lựa chọn phương thức học tập; Bước 6: Tổ chức hoạt động thực hành cho HS; Bước 7: Phản hồi và điều chỉnh.
- Kết quả phần thực nghiệm sư phạm đã khẳng định hiệu quả của hệ thống BTPB trong dạy học tiểu học mà luận án đã đề xuất, phù hợp với giả thuyết khoa học mà đề tài đã đặt ra ban đầu.
- Qua một thời gian nghiên cứu, chúng tôi có một số đề nghị sau:
– Tiếp tục triển khai thực nghiệm hệ thống BTPB trong cả nước.
– Tiếp tục nghiên cứu và vận dụng quy trình thiết kế và sử dụng BTPB trong các môn học khác ở tiểu học.
– Để đáp ứng yêu cầu cần đạt về năng lực và phẩm chất cho học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 qua thực hiện BTPB, cần tập huấn cho giáo viên nhận thức rõ tầm quan trọng cũng như quy trình thiết kế và cách sử dụng BTPB sao cho hiệu quả nhất trong quá trình dạy học các môn học ở tiểu học.