THÔNG TIN TÓM TẮT VỀ NHỮNG KẾT LUẬN MỚI
CỦA LUẬN ÁN TIẾN SĨ
Tên đề tài: Dạy học môn Công nghệ dựa vào năng lực ở trường Trung học cơ sở
Chuyên ngành: Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Kỹ thuật Công nghiệp
Mã số: 9140111
Nghiên cứu sinh: Bùi Minh Hải
Cán bộ hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Văn Bính, TS. Nguyễn Thị Thu Hà
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Những kết luận mới của luận án
Có ba kết luận mới được rút ra từ luận án này:
– Về lý luận: Sử dụng lí thuyết Vùng phát triển gần nhất của Vygotsky để giải thích cơ chế tích lũy và phát triển năng lực của học sinh; Sử dụng lí thuyết giàn giáo nâng đỡ vừa sức của Vygotsky để giải thích bản chất của khái niệm dạy học dựa vào năng lực; Sử dụng mô hình ‘căn chỉnh kiến tạo’ của Biggs để giải thích các thành phần chính trong dạy học dựa vào năng lực. Từ đó, sử dụng lí thuyết của Bloom để chỉ dẫn cách mô tả năng lực công nghệ đầu ra của học sinh, sử dụng mô hình 4C/ID trong lí thuyết tải nhận thức để hướng dẫn cách thiết kế các nhiệm vụ học tập và thiết kế hoạt động dạy học dựa vào năng lực.
– Về thực tiễn: Cung cấp một báo cáo khảo sát cắt ngang về thực trạng dạy học môn Công nghệ dựa vào năng lực ở trường THCS tại thời điểm học kỳ 2 năm học 2017 – 2018. Những phát hiện mới từ kết quả khảo sát cho thấy việc dạy học môn Công nghệ ở trường THCS là chưa phát triển toàn diện các năng lực công nghệ cho học sinh theo yêu cầu của CTGDPT 2018 môn Công nghệ. Việc dạy học môn Công nghệ hiện hành vẫn chưa đạt được đầy đủ các đặc trưng của dạy học dựa vào năng lực nên cần tiếp tục cải thiện.
– Về giải pháp: Đề xuất một tiến trình thiết kế dạy học môn Công nghệ dựa vào năng lực ở trường THCS; minh họa áp dụng tiến trình thiết kế cho ‘Bài 9 – Lắp mạch điện hai công tắc ba cực điều khiển một đèn’. Kết quả thực nghiệm sư phạm đã cho thấy dạy học môn Công nghệ dựa vào năng lực ở trường THCS có tác động tích cực đến sự phát triển các năng lực công nghệ của học sinh.