THÔNG TIN NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
Đề tài luận án: Tổ chức không gian kiến trúc làng gốm truyền thống khu vực miền Trung Việt Nam
Chuyên ngành: Kiến trúc – Mã số: 9580101
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Văn Nguyên
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. KTS Đặng Đức Quang
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
TÓM TẮT NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
1. Nhận diện được những đặc trưng của các LGTT cũng như xác định được ranh giới bảo tồn của các LGTT khu vực miền Trung.
Những cộng đồng cấu trúc vừa đóng vừa mở. Cấu trúc đóng: tổ chức dân cư theo kiểu cộng đồng làm gốm, bởi nghề làm gốm cần một cộng đồng hỗ trợ về nguồn nguyên liệu, hỗ trợ nhân lực. Không gian gian đóng thể hiện trong một nhóm các hộ tập trung cùng sản xuất. Nghề gốm có tính chất truyền nghề, các thế hệ trong gia đình. Cấu trúc mở: Kết nối giao thương hàng hóa, bán gốm cho các trung tâm đô thị khác, nhập nguyên vật liệu như than củi.. Không gian kiến trúc của làng gốm truyền thống phổ biến là có diện tích hẹp, người đông, chật chội. Không gian luân chuyển: Từ xa xưa trong lịch sử, làng gốm truyền thống vốn đã liên tục vần xoay luân chuyển của gốm để tồn tại và phát triển. Đây cũng là đặc trưng quan trọng của không gian kiến trúc làng gốm truyền thống. Giá trị biểu tượng của không gian kiến trúc cảnh quan: ngoài các công trình kiến trúc cụ thể như đình, chùa, miếu… đặc trưng của các LGTT miền Trung là các nhà thờ tộc, đường làng lát gạch, các công trình phục vụ sản xuất gốm như lò úp, lò ngửa, ống khói, xưởng làm gốm với hình ảnh bàn xoay, hoặc nơi sản xuất gốm làm trung tâm.
Việc thiết lập ranh giới bảo tồn cho các LGTT khu vực miền Trung cần thiết và thực hiện theo các bước như sau: Xác định các khu vực thường được các nghệ nhân coi là nơi làm đồ gốm: là các khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với truyền thống địa phương, có vai trò quan trọng trong việc quy hoạch không gian. Xác định nơi ra đời của truyền thống gốm trong phạm vi hành chính LGTT: là yếu tố quan trọng tiên quyết trong việc bảo tồn truyền thống của làng. Xác định mối liên hệ giữa môi trường làm việc truyền thống của người thợ gốm với khu vực thuộc địa giới hành chính của làng: tạo sức thu hút du lịch lịch sử và văn hóa đến khu vực thông qua những giá trị nổi bật của mối liên hệ này.
2. Xác định được quan điểm, mục tiêu và nguyên tắc về tổ chức không gian kiến trúc LGTT khu vực miền Trung.
Quan điểm: tuân thủ quy định pháp luật, định hướng phát triển của Nhà nước, các quy chuẩn tiêu chuẩn về quy hoạch và xây dựng nông thôn mới. Góp phần cụ thể hóa Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030. Tạo lập không gian sáng tạo trong các LGTT góp phần tạo nên các giá trị mới, phát triển kinh tế và giữ gìn văn hóa của làng nghề truyền thống. Dựa trên điều kiện thực tiễn của mỗi địa phương để có giải pháp tổ chức không gian kiến trúc LGTT hợp lý, hiệu quả, khả thi. Tổ chức không gian kiến trúc LGTT khu vực miền Trung theo hướng phát triển xanh và bền vững.
Mục tiêu: ngăn chặn sự mai một và khả năng mất đi các LGTT khu vực miền Trung trên cơ sở xây dựng một kế hoạch khôi phục, bảo tồn cân bằng giữa đánh giá và quản lý. Tổ chức không gian kiến trúc các LGTT khu vực miền Trung gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Bổ sung các không gian chức năng còn thiếu trong cấu trúc LGTT khu vực miền Trung đáp ứng hoạt động kinh tế du lịch. Tổ chức không gian kiến trúc LGTT khu vực miền Trung tạo liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch. Nâng cao chất lượng hạ tầng và cảnh quan nhưng vẫn đảm bảo bảo tồn và phát huy được cấu trúc không gian và giá trị bản sắc của LGTT. Tổ chức không gian chức năng cho cấu trúc làng nghề; các không gian và hình thức kiến trúc nhà ở phục vụ du lịch. Tổ chức không gian chức năng cho cấu trúc làng nghề, các không gian và hình thức kiến trúc nhà ở cho mỗi hộ gia đình cân bằng các giá trị kinh tế, xã hội và môi trường
Nguyên tắc: Phải khai thác và sử dụng hợp lý các điều kiện tự nhiên, hạn chế tác động đến môi trường sinh thái. Cần bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, bản sắc truyền thống. Đảm bảo kế thừa có tính phê phán, chọn lọc, bổ sung để phù hợp với xu hướng hiện nay. Phải chọn lọc, đào thải, kiểm soát và hạn chế các hoạt động phát triển không phù hợp. Cần có lộ trình thực hiện, phân loại, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp từ quản lý, đầu tư, xây dựng, vận hành và cải tạo… để đạt được mục đích theo kế hoạch trung và dài hạn
3. Xác định được các chức năng mới đề xuất được các giải pháp tổ chức không gian LGTT khu vực miền Trung.
Luận án đã bổ sung những chức năng mới cho cấu trúc không gian làng gốm truyền thống nhằm khai thác tốt tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn đáp ứng các hoạt động kinh tế du lịch, du lịch Di sản, phù hợp các chức năng chung trong tổ chức không gian tổng thể làng nghề, các chức năng mới trong các không gian khu ở kết hợp sản xuất đặc thù, các chức năng đặc biệt khác trong việc hình thành tổ hợp trung tâm dịch vụ mới, các không gian công cộng khác tại làng…
Đề xuất giải pháp tổ chức không gian khu ở kết hợp sản xuất gốm gắn với du lịch và các không gian tiếp cận mềm điểm dừng chân, dịch vụ, tạo ra khoảng không gian chuyển tiếp, chia sẻ không gian mở chung. Việc tổ chức lại không gian sản xuất trong khu ở, chia sẻ không gian, liên kết không gian tạo sản xuất ngay tại khu ở chính là việc hướng tới tạo điều kiện cho sử dụng nguồn nhân lực, tiếp cận thiết bị, giải quyết vấn đề hạ tầng kỹ thuật, môi trường và đầu tư phương tiện kỹ thuật phù hợp. Đề xuất chức năng khu trung tâm dịch vụ mới của làng, có thể tập trung hoặc phân tán, nhằm tiếp cận khu vực chính truyền thống vốn có của làng, còn nhằm làm giảm áp lực vào khu vực này, kết nối bên trong với bên ngoài, gắn truyền thống và hiện đại trở thành trung tâm sáng tạo, tiếp cận khoa học kỹ thuật. Trong không gian hoạt động cộng đồng, Luận án đề xuất hành lang lễ hội, như một trong những không gian cộng đồng mới, kết nối các giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của làng, theo góc nhìn bảo tàng mở, tạo nên sức sống mới trong các hoạt động của làng.
Luận án đã đề xuất giải pháp nhà ở phù hợp với yêu cầu phát triển trong thực tế, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, dịch vụ nhưng vẫn đảm bảo các sinh hoạt đời sống thường nhật.