THÔNG TIN TÓM TẮT VỀ NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN TIẾN SĨ
Tên luận án: Nghiên cứu đặc điểm trượt đất đá trên đường Hồ Chí Minh đoạn ĐaKrông – Thạnh Mỹ và luận chứng giải pháp xử lý thích hợp.
Ngành: Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông Mã số: 9580205
Nghiên cứu sinh: Huỳnh Thanh Bình
Họ và tên cán bộ hướng dẫn:
1. PGS.TS Tạ Đức Thịnh – Trường Đại học Mỏ – Địa chất
2. PGS.TS Nguyễn Sỹ Ngọc – Trường Đại học GTVT
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Giao thông vận tải
TÓM TẮT ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
Các kết quả đã đạt được, nêu những đóng góp mới về giá trị khoa học, thực tiễn của các đóng góp đó (chưa từng được tác giả nào trong và ngoài nước công bố).
1. Xác định rõ ràng, đầy đủ hệ thống các nguyên nhân, yếu tố thúc đẩy quá trình trượt và loại hình trượt đất đá trên tuyến đường HCM, đoạn ĐK-TM làm cơ sở khoa học luận chứng các giải pháp xử lý trượt thích hợp.
2. Xác định được cơ chế, quy mô, tốc độ và hình thái mặt trượt của đoạn tuyến Đa Krông – Thạnh Mỹ trên cơ sở nghiên cứu quá trình trượt đất đá bằng mô hình máng trượt kết hợp với thí nghiệm trong phòng.
3. Kết quả nghiên cứu quá trình trượt đất bằng mô hình máng trượt: Khi áp lực nước lỗ rỗng tăng dần từ 0 đến một giá trị nhất định (ngưỡng gây ra trượt lở) thì xảy ra hiện tượng trượt. Kết quả nghiên cứu trên máng trượt phù hợp với tính toán ổn định theo giả thiết đơn giản hóa của Janbu về thể tích trượt và lực gây trượt.
4. Kết quả nghiên cứu xác định được mối quan hệ giữa các yếu tố nguyên nhân, yếu tố thúc đẩy quá trình trượt đất đá tương ứng với các đặc điểm về địa hình, địa chất, khí hậu, thành phần và tính chất của một số loại đất đá trên đường HCM, đoạn ĐK-TM.
5. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã đề xuất được tổ hợp 6 giải pháp để xử lý trượt trên tuyến đường HCM, đoạn ĐK-TM là cơ sở khoa học quan trọng để các cơ quan quản lý, tư vấn, thiết kế, thi công lựa chọn giải pháp xử lý trượt phù hợp trên tuyến đường Hồ Chí Minh cũng như trong việc xây dựng các tuyến đường giao thông khác có đặc điểm tự nhiên tương tự đường Hồ Chí Minh.