THÔNG TIN TÓM TẮT VỀ NHỮNG KẾT LUẬN MỚI CỦA LUẬN ÁN TIẾN SĨ
Tên đề tài: Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự ở trung học phổ thông theo quan điểm kiến tạo
Chuyên ngành: Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Văn-Tiếng Việt
Mã số: 62.14.01.11
Nghiên cứu sinh: Hoàng Bách Việt
Cán bộ hướng dẫn: GS.TS Nguyễn Thanh Hùng; TS Nguyễn Thị Quế Anh
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Những kết luận mới của luận án:
Quá trình giải quyết vấn đề nghiên cứu đặt ra trong đề tài, luận án rút ra được các kết luận cơ bản sau đây.
1. Nghiên cứu về VBTS, đọc hiểu VBTS, QĐKT trong dạy học đã có một quá trình với tên tuổi, đóng góp của nhiều nhà khoa học và các công trình có ý nghĩa. Tuy nhiên, tổng hợp lịch sử nghiên cứu về vấn đề cho thấy cần tập trung làm rõ việc vận dụng QĐKT vào dạy học đọc hiểu VBTS theo một mô hình như thế nào, với các phương pháp, biện pháp, kĩ thuật dạy học ra sao để phát triển năng lực đọc hiểu cùng các năng lực chung và phẩm chất của người học theo định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới.
2. Luận án đã nghiên cứu về cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn của đề tài, bao gồm: về đọc hiểu văn bản; lý thuyết tự sự học; thuyết kiến tạo và dạy học kiến tạo; thực trạng dạy học VBTS ở trường THPT. Việc tìm kiếm những giao diện hay tiếp điểm giữa lý thuyết đọc hiểu, lý thuyết tự sự học hiện đại và thuyết kiến tạo tri thức để tích hợp chúng nhằm làm rõ lý luận và đề xuất các biện pháp dạy học đọc hiểu VBTS ở trường THPT theo quan điểm kiến tạo.
3. Luận án xác định và làm rõ 4 yêu cầu của việc đọc hiểu VBTS theo QĐKT, đó là: Đảm bảo đặc trưng của VBTS và mục tiêu của hoạt động đọc hiểu VBTS; Đảm bảo môi trường kiến tạo dân chủ, tích cực trong dạy học đọc hiểu VBTS; Hiểu ưu điểm và những điều cần lưu ý của quan điểm kiến tạo trong dạy học, phối hợp linh hoạt, hài hòa các hoạt động kiến tạo cơ bản và kiến tạo xã hội; Đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động kiến tạo trong dạy học đọc hiểu VBTS.
Từ các cơ sở trên, luận án xác lập mô hình kiến tạo ý nghĩa VBTS trong dạy học đọc hiểu. Mô hình là sự vận dụng tích hợp giữa mô hình dạy học theo quan điểm kiến tạo, mô hình năng lực đọc hiểu VBTS của HS, mô hình dạy học đọc hiểu theo tiến trình ba giai đoạn. Từ đó có thể thấy hoạt động kiến tạo cơ bản và kiến tạo xã hội của học sinh trong đọc hiểu VBTS được thực hiện theo tiến trình: Từ huy động, bổ sung nền tảng có liên quan đến VBTS và đọc hiểu VBTS, đến phán đoán, dự hướng về VBTS, đến trải nghiệm, kiểm soát phán đoán, dự hướng về văn bản tự sự.
Quy trình sẽ được thực hiện theo con đường đồng hóa để đi đến thu hoạch tri thức, trải nghiệm mới về VBTS nếu như hoạt động đọc hiểu vẫn nằm trong vùng phát triển hiện tại của người học. Tiến trình sẽ “lùi” trở lại để thực hiện hoạt động “điều ứng”, bổ sung thêm tri thức, trải nghiệm mới, tìm kiếm con đường giải quyết mới để rồi lại đi tiếp đến bước thu hoạch tri thức, trải nghiệm về VBTS. Đây là một quá trình diễn ra liên tục trong hoạt động đọc hiểu của HS.
4. Luận án đã đề xuất vận dụng 4 phương pháp để hướng dẫn HS kiến tạo ý nghĩa trong dạy học đọc hiểu VBTS ở THPT gồm: Vận dụng phương pháp tái tạo để hướng dẫn HS huy động, bổ sung tri thức, trải nghiệm nền và nếm trải thế giới nghệ thuật của VBTS; Vận dụng phương pháp gợi mở để hướng dẫn HS thực hiện quá trình “đồng hóa” trong kiến tạo ý nghĩa VBTS; Vận dụng phương pháp nêu và giải quyết vấn đề để hướng dẫn HS thực hiện quá trình “điều ứng” trong kiến tạo ý nghĩa của VBTS; Vận dụng phương pháp day học hợp tác để hướng dẫn HS thực hiện quá trình kiến tạo xã hội trong đọc hiểu VBTS. Các phương pháp trên được cụ thể hóa thành nhiều biện pháp, kĩ thuật cụ thể và được làm sáng rõ qua các ví dụ minh họa.
5. Luận án đã tiến hành thực nghiệm để kiểm chứng các đề xuất. Thực nghiệm được tiến hành trong dạy học đọc hiểu các VBTS thuộc thể loại truyện ngắn hiện đại Việt Nam ở lớp 11. Dựa trên các quan sát định tính và kết quả định lượng có thể xác định mô hình và các biện pháp dạy học đọc hiểu văn bản tự sự theo mô hình kiến tạo ý nghĩa được để xuất trong luận án mang tính khả thi và độ tin cậy.
Vận dụng dạy học kiến tạo nhận thức xã hội hay kiến tạo nhận thức cơ bản trong dạy học đọc hiểu tác phẩm tự sự phải hiểu rõ mối quan hệ biện chứng giữa tri thức và kinh nghiệm như là động lực hành động và kết quả của năng lực tư duy trong qúa trình nhận thức. Dù có khát khao hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất HS cũng không được quên kết hợp khôn khéo tri thức nghe tương đương với học vấn, với tri thức làm tương đương với hành động vận dụng tri thức và với tri thức sống tương đương với ứng xử nhân văn của kỹ năng sống ở họ.
Đây chính là thực hiện sự cân bằng giữa kiến tạo cơ bản và kiến tạo xã hội vốn có trong học thuyết của hai nhà bác học Piaget và Vygotxky. Đây cũng là một quá trình cần tiếp tục được nghiên cứu. Trong khả năng và giới hạn của bản thân, luận án chắc chắn còn có những thiếu sót nhất định. Chúng tôi mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp quý báu của các nhà khoa học để hoàn thiện thêm kết quả nghiên cứu của mình.