THÔNG TIN NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
– Tên tác giả: Lê Văn Quốc
– Tên người hướng dẫn:
PGS. TS Trần Thị Thu Mai
PGS. TS. Phạm Viết Vượng
– Tên luận án: Quản lí đào tạo theo học chế tín chỉ trong các trường đại học tư thục miền Đông Nam Bộ
– Ngành khoa học của luận án: Khoa học Giáo dục
– Chuyên ngành: Quản lí giáo dục
– Khóa: 2012 – 2016
– Mã số: 9140114
– Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh
NỘI DUNG NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
Đào tạo và quản lí đào tạo theo học chế tín chỉ trên thế giới đã xuất hiện từ năm 1782 ở Hoa Kì và ở Việt Nam, áp dụng trong một số Viện đại học miền Nam trước năm 1975, sau đó được tiếp tục thí điểm từ năm học 1993 -1994. Cơ sở lí luận đào tạo và quản lí đào tạo theo học chế tín chỉ được xây dựng khá vững chắc, tập trung vào hai hướng chính: Một là, cơ sở lí luận, thực trạng và hai là, đề xuất giải pháp/biện pháp quản lí đào tạo theo học chế tín chỉ theo nhiều cách tiếp cận khác nhau. Các công trình nghiên cứu chủ yếu làm rõ về cơ sở lí luận, thực trạng và về đề xuất giải pháp/ biện pháp quản lí đào tạo theo học chế tín chỉ theo cách tiếp cận khác nhau, đa dạng. Tuy nhiên, chưa có công trình nghiên cứu nào đề cập đến quản lí đào tạo theo học chế tín chỉ dựa trên tiếp cận thành tố của đào tạo theo học chế tín chỉ kết hợp với chức năng quản lí giáo dục.
Trong luận án này tác giả đã thực hiện tốt bốn nhiệm vụ nghiên cứu và đạt được những kết quả cơ bản là:
Hệ thống hóa cơ sở lí luận về quản lí đào tạo theo học chế tín. Bốn nội dung quản lí đào tạo theo học chế tín chỉ là: quản lí tuyển sinh, quản lí chương trình đào tạo, quản lí hoạt động dạy của giảng viên và hoạt động học của sinh viên, quản lí hoạt động kiểm tra và đánh giá kết quả học tập. Mỗi nội dung quản lí này được làm rõ các nội dung cơ bản theo bốn chức năng quản lí là lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra. Đây là cách tiếp cận thành tố của đào tạo theo học chế tín chỉ kết hợp với chức năng quản lí giáo dục, không có sự trùng lặp với các luận án tương tự đã công bố trước đó; Yếu tố ảnh hưởng nhất đến quản lí đào tạo theo học chế tín chỉ là đội ngũ quản lí, đội ngũ giảng viên, đội ngũ cố vấn học tập và sinh viên.
Dựa trên nền tảng của cơ sở lí luận về đào tạo và quản lí đào tạo theo học chế tín chỉ, Tác giả tổng hợp và phân tích số liệu từ điều tra tác bằng bảng hỏi với 384 giảng viên, cố vấn học tập và 600 sinh viên, kết hợp qua phỏng vấn 15 cán bộ quản lí, giảng viên/cố vấn học tập đã xác định thực trạng đào tạo và quản lí đào tạo theo học chế tín chỉ ở năm trường đại học tư thục miền Đông Nam Bộ còn bộc lộ những hạn chế cơ bản là: 1) Quản lí chương trình đào tạo chưa có sự tham gia đại diện của bên liên quan trong xây dựng chương trình đào tạo. Công tác tập huấn đánh giá về chương trình đào tạo cho giảng viên và rà soát việc phát triển chương trình đào tạo chưa được chủ thể quản lí quan tâm thấu đáo. 2) Quản lí hoạt động dạy và học của giảng viên và sinh viên, bộc lộ hạn chế ở vai trò của đội ngũ giảng viên và cố vấn học tập. Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, công tác tổ chức và quản lí hoạt động tự học, tự nghiên cứu của sinh viên chưa được các trường đặc biệt quan tâm. 3) Quản lí kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên, chủ thể quản lí chưa tăng cường công tác chỉ đạo giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên cũng như giám sát công tác ra đề, coi thi và chấm thi. Từ những hạn chế này, tác giả luận án đã xác định 06 nguyên nhân chủ yếu gồm: 1) Công tác xây dựng đề cương chi tiết môn học theo học chế tín chỉ của giảng viên trong khoa/bộ môn chỉ thỏa mãn ở mặt hình thức. 2) Đội ngũ giảng viên yếu về chuyên môn và chưa đáp ứng đủ về số lượng. 3) Quản lí hoạt động tự học của sinh viên còn bất cập, đặc biệt là sinh viên năm thứ nhất. 4) Nhà trường chưa quan tâm nhiều đến xây dựng và phát triển năng lực đội ngũ cố vấn học tập đáp ứng yêu cầu đào tạo theo học chế tín. 5) Nhà trường chưa thực sự coi trọng về kiểm tra, đánh giá trong đào tạo theo học chế tín chỉ. 6) Công tác chỉ đạo, giám sát của chủ thể quản lí trong công tác quản lí chương trình đào tạo; Quản lí hoạt động dạy và học; Quản lí kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên chưa thật sự chặt chẽ.
Nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập trên và dựa vào những nguyên nhân cơ bản này, tác giả luận án đề xuất 5 biện pháp nhằm nâng cao chất lượng quản lí đào tạo theo học chế tín chỉ: Biện pháp 1. Phát triển đề cương chi tiết môn học theo học chế tín chỉ; Biện pháp 2. Tuyển dụng và sử dụng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo theo học chế tín chỉ; Biện pháp 3. Tổ chức bồi dưỡng năng lực về công tác cố vấn học tập cho đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo theo học chế tín chỉ; Biện pháp 4. Tăng cường quản lí nội dung, phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá từ bộ môn, khoa và ngành; Biện pháp 5. Phối hợp đồng bộ giữa trưởng/phó trưởng khoa, trưởng/phó trưởng bộ môn và giảng viên trong quản lí: chương trình đào tạo, hoạt động dạy và học, việc kiểm tra và đánh giá kết quả học tập.
Kết quả khảo nghiệm 5 biện pháp cho thấy cả 5 biện pháp được đề xuất đều được đánh giá cần thiết và rất khả thi cao. Đồng thời thực nghiệm biện pháp 3 đã khẳng định tính hiệu quả của nó và chứng minh giả thuyết khoa học là đúng đắn. Đây là dấu hiệu nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lí đào tạo theo học chế tín chỉ ở Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và 5 trường đại học tư thục miền Đông Nam Bộ nói chung.