THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ
Tác giả: Vương Thu Giang
Tên đề tài: Nghiên cứu giải pháp phát triển bền vững ngoại thương đường biển Việt Nam
Chuyên ngành: Tổ chức và quản lý vận tải
Mã số: 9840103
Người hướng dẫn khoa học:
PGS.TS. Đặng Công Xưởng
PGS.TS. Nguyễn Thị Phương
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Hàng hải Việt Nam
TÓM TẮT NỘI DUNG
1. Mục đích và đối tượng nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu: Trên cơ sở đánh giá hiện trạng phát triển vận chuyển hàng hóa ngoại thương đường biển Việt Nam thời gian qua, nội dung luận án đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm phát triển bền vững vận chuyển hàng hóa ngoại thương đường biển Việt Nam thời gian tới trên cơ sở khoa học và phù hợp với thực tế hiện nay.
Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu của đề tài là phát triển và phát triển bền vững hoạt động vận chuyển hàng hóa NTĐB Việt Nam giai đoạn 2008-2019.
2. Phương pháp nghiên cứu đã sử dụng
– Phương pháp tổng hợp, so sánh, phân tích hệ thống và tổng hợp thống kê.
– Phương pháp Delphi: để đề xuất bộ tiêu chí đánh giá PTBV NTĐB Việt Nam.
– Phương pháp nghiên cứu định lượng: luận án sử dụng mô hình tự hồi quy phân phối trễ (ARDL) để kiểm tra mối quan hệ giữa các biến số được theo dõi trong giai đoạn 2008 – 2019.
3. Những kết quả và đóng góp mới của luận án
Đóng góp về mặt lý luận
(1) Luận án đã hệ thống hoá và xây dựng được cơ sở lý luận đầy đủ về phát triển bền vững ngoại thương đường biển (tập trung khâu vận chuyển đường biển), trong đó bao gồm lý luận về hoạt động VCĐB, về phát triển bền vững, xây dựng khái niệm ngoại thương đường biển, từ đó rút ra đặc điểm, vai trò và các yếu tố cơ bản của NTĐB. Cuối cùng là đề xuất khái niệm phát triển bền vững ngoại thương đường biển và bộ tiêu chí đánh giá PTBV NTĐB.
(2) Luận án đã đề xuất được Bộ tiêu chí đánh giá phát triển bền vững của riêng ngoại thương đường biển (tập trung vào khâu vận chuyển), bằng phương pháp Delphi. Bộ tiêu chí cuối cùng bao gồm 03 tiêu chí cấp 1, 09 tiêu chí cấp II và 30 tiêu chí cấp III. Việc đánh giá hiện trạng vận chuyển hàng hóa NTĐB trong luận án hoàn toàn dựa trên bộ tiêu chí này.
Đóng góp về mặt thực tiễn
(1) Bằng số liệu từ nhiều nguồn tin cậy và dựa trên bộ tiêu chí đã đề xuất về đánh giá PTBV NTĐB, luận án đã phân tích, đánh giá hiện trạng phát triển vận chuyển hàng hóa NTĐB Việt Nam trên ba mặt: kinh tế, xã hội – con người và môi trường sinh thái giai đoạn 2008 – 2019. Từ đó, rút ra được những thành công, hạn chế trong quá trình phát triển bền vững vận chuyển hàng hóa NTĐB ở Việt Nam.
(2) Bằng phương pháp ước lượng phù hợp – mô hình tự hồi quy phân phối trễ (ARDL), luận án đã chỉ ra các yếu tố kinh tế (thuộc khâu vận chuyển đường biển của ngoại thương đường biển) tác động đến NTĐB Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2008 – 2019 trong cả ngắn hạn và dài hạn. Đồng thời, luận án chỉ ra chiều tác động tích cực và đo lường mức độ tác động của các biến số kinh tế này tới hoạt động NTĐB ở Việt Nam.
(3) Từ các cơ sở trên, luận án đã đề xuất được một số giải pháp cơ bản phát triển bền vững ngành ngoại thương đường biển Việt Nam theo 03 nhóm: nhóm giải pháp về mặt kinh tế, nhóm giải pháp về mặt xã hội con người, nhóm giải pháp về mặt môi trường sinh thái.