Luận án – Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan Quần thể di tích cố đô Huế Lưu Free

Luận án – Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan Quần thể di tích cố đô Huế

Danh mục: , Người đăng: Lâm Gia Mộc Nhà xuất bản: Tác giả: Ngôn ngữ: Tiếng Việt, Tiếng Anh Định dạng: , Lượt xem: 5 lượt Lượt tải: 0 lượt
Tài liệu, tư liệu này được sưu tầm từ nhiều nguồn và chia sẽ miễn phí với mục đích tham khảo, các bạn đọc nghiên cứu và muốn trích lục lại nội dung xin hãy liên hệ Tác giả, bản quyền và nội dung tài liệu thuộc về Tác Giả & Cơ sở Giáo dục, Xin cảm ơn !

Nội dung

NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN

Tên đề tài: Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan Quần thể di tích cố đô Huế

Chuyên ngành: Quản lý Đô thị và công trình – Mã số: 62.58.01.06

Nghiên cứu sinh: Lê Ngọc Kiên

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS.KTS. Trần Trọng Hanh

Các nội dung đóng góp mới của Luận án:

Những kết quả nghiên cứu có ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án, đã khẳng định 03 đóng góp mới. Cụ thể như sau:

1. Đóng góp mới thứ nhất: Góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng, vai trò của công tác bảo tồn, phát huy giá trị nổi bật toàn cầu về mặt quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan của di sản thế giới; Hoàn thiện cơ sở khoa học quản lý di sản thế giới về không gian, kiến trúc, cảnh quan trong điều kiện Quần thể di tích cố đô Huế theo định hướng phát triển đô thị di sản thế giới xanh, thông minh và bền vững.

Hiện nay, nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy giá trị nổi bật toàn cầu về mặt không gian, kiến trúc, cảnh quan của di sản thế giới rất khác nhau như luận án đã trình bày Mục 2.1 Chương 2 của Luận án, trong đó nghiên cứu sinh (NCS) đã làm rõ một quan điểm nhất quán của luận án về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác này trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển kinh tế – xã hội nhanh nhưng không bền vững ở các quốc gia trong đó có Việt Nam. NCS cho rằng hiệu quả to lớn nhất của quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan các quần thể di tích cố đô là di sản thế giới không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn mà còn phải phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới trong đương đại, coi đó như các tài sản vô giá về vật chất và tinh thần của mỗi quốc gia và toàn nhân loại để truyền lại cho thế hệ mai sau.

Luận án cũng góp phần hoàn thiện cơ sở khoa học về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan trong điều kiện Quần thể di tích cố đô Huế theo định hướng phát triển đô thị xanh, thông minh và bền vững dựa trên: (i) Hệ tư tưởng và đổi mới tư duy nhận thức; (ii) Cơ sở pháp lý bao gồm: Khung pháp lý và thể chế quốc tế cũng như trong nước; (iii) Cơ sở lý thuyết, 05 bài học kinh nghiệm và 09 yếu tố tác động đến công tác quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan mà các công trình nghiên cứu khoa học và luận án trước đó chưa nghiên cứu một cách toàn diện và hệ thống.

2. Đóng góp mới thứ hai: Điều chỉnh, bổ sung phạm vi, ranh giới và xác định các khu vực bảo vệ, phát huy giá trị của Quần thể di tích cố đô Huế theo định hướng hình thành đô thị di sản Huế tương lai trong thành phố trực thuộc Trung Ương.

Phạm vi, ranh giới khu vực bảo vệ di tích được xác định theo Luật Di sản văn hóa và Nghị định số 109/2017/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó vùng bảo vệ di tích chỉ bao gồm 02 khu vực nhưng chưa có cơ sở khoa học và phương pháp xác định phạm vi, ranh giới trên.

Để giải quyết những tồn tại trên, Luận án đã đề xuất vùng bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể di tích cố đô Huế có thể phân chia thành 02 vùng và 03 khu vực:

Khu vực I: Vùng bảo vệ di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, là: “vùng cứng” được UNESCO công nhận là di sản thế giới bao gồm các yếu tố cấu thành di sản thế giới, được ký hiệu Ri;

Khu vực II: Vùng đệm là không gian mềm tiếp giáp với khu vực I, ký hiệu R. Khu vực II bao gồm 02 phân khu vực:

+ Phân khu II.1 là khu vực bảo vệ trực tiếp, vành đai xanh – kỹ thuật được cấu tạo bởi: (1) Khoảng lùi (R2.1), tính từ chân tường thành của Kinh thành với góc hạn tuyến được chọn là 30° đảm bảo tầm nhìn; không gian xanh và diện tích bố trícác công trình hạ tầng kỹ thuật cần thiết; (2) Đường giao thông bao quanh là đường công vụ phục vụ các hoạt động bảo vệ di tích (R2.2), (3) Khoảng cách của khu vực dành cho bố trí các công trình phụ trợ: bãi đỗ xe, quản lý, đón tiếp, đảm bảo an toàn, an ninh du khách (R2.3).

+ Phân khu II.2 là khu vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới hoặc vùng ảnh hưởng.

Ngoài ra, NCS đã xây dựng công thức để xác định một cách cụ thể phạm vi, ranh giới trên (Công thức 2.1 đến công thức 2.9 của Tiểu mục 3.2.1 của Luận án) để giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước xác định một cách cụ thể.

3. Đóng góp mới thứ ba: Xây dựng các nhóm giải pháp quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan lồng ghép trong quản lý di sản thế giới Quần thể di tích cố đô Huế và bộ tiêu chí, chỉ số và cơ chế giám sát, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan trong quản lý bảo vệ Quần thể di tích cố đô Huế.

Công tác quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đối với Quần thể di tích cố đô Huế khác với quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị thông thường. Do đó, trong Luận án đã đề xuất 05 nhóm giải pháp quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan Quần thể di tích cố đô Huế bao gồm: (1) Rà soát, bổ sung và hoàn thiện các cơ sở pháp lý về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan Quần thể di tích cố đô Huế; (2) Phân vùng và xác định yêu cầu quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan Quần thể di tích cố đô Huế; (3) Lồng ghép nội dung, giải pháp quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan trong quản lý bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể di tích cố đô Huế; (4) Xây dựng đưa vào áp dụng đề án Đổi mới mô hình và nâng cao năng lực của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế; (5) Nguyên tắc xây dựng mô hình và thiết chế nâng cao vai trò của cộng đồng và sự tham gia của người dân, trong đó đã thể hiện rõ sự khác biệt giữa công tác quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan Quần thể di tích cố đô Huế khác biệt với các quần thể kiến trúc thông thường khác ở chỗ việc quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan của Quần thể di tích cố đô Huế có nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới đồng thời hạn chế tối đa sự phát triển làm thay đổi các giá trị gốc và nổi bật toàn cầu của di sản thế giới.

Cho đến nay, việc giám sát, kiểm tra và đánh giá công tác quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan các quần thể di tích cố đô là di sản thế giới ở Việt Nam trong đó có Quần thể di tích cố đô Huế chỉ được thực hiện thông qua báo cáo chung theo hướng dẫn của Ủy ban Di sản thế giới và được lập theo định kỳ 06 năm một lần. Để khắc phục tồn tại này, Luận án đã đề xuất bộ tiêu chí, chỉ số và cơ chế giám sát, kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan trong quản lý bảo vệ Quần thể di tích cố đô Huế hàng năm và định kỳ 06 năm. Đề xuất này rất quan trọng cho công tác quản lý Nhà Nước nhằm giúp cho các cơ quan chuyên trách của Chính phủ và chính quyền địa phương luôn cập nhật được thực trạng về các quần thể di tích cố đô là di sản thế giới của Việt Nam trong đó có Quần thể di tích cố đô Huế. Đồng thời cho phép hợp tác hiệu quả với Ủy ban Di sản thế giới trong việc gìn giữ tính toàn vẹn, các giá trị gốc và nổi bật toàn cầu của di sản thế giới tại Việt Nam nói chung trong đó có di sản văn hóa thế giới Quần thể di tích cố đô Huế.

Trên đây là những đóng góp mới của Luận án, xin được báo cáo Bộ môn và Khoa sau đại học chấp thuận và tạo điều kiện cho tôi tiếp tục triển khai các thủ tục tiếp theo để bảo vệ luận án Tiến sĩ cấp trường.

Xin trân trọng cảm ơn.

Tải tài liệu

1.

Luận án – Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan Quần thể di tích cố đô Huế

.zip
21.74 MB

Có thể bạn quan tâm