TRÍCH YẾU LUẬN ÁN TIẾN SỸ KỸ THUẬT
1. Tên tác giả: Vũ Ngọc Bình
2. Tên Luận án: “Nghiên cứu ảnh hưởng đặc tính xây dựng của đất loại sét yếu vùng đồng bằng sông Cửu Long đến chất lượng gia cố nền bằng xi măng kết hợp với phụ gia trong xây dựng công trình”
3. Chuyên ngành: Địa kỹ thuật xây dựng; Mã số: 62 58 02 11
4. Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS. TS. Đỗ Minh Toàn
2. GS.TS. Nguyễn Quốc Dũng
5. Tên cơ sở đào tạo: Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam
6. Mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu
6.1. Mục đích nghiên cứu
Làm sáng tỏ sự ảnh hưởng của đặc tính xây dựng, đặc biệt là đặc điểm về thành phần của đất đến chất lượng đất gia cố bằng xi măng.
– Nghiên cứu, đề xuất được biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của phương pháp gia cố bằng xi măng kết hợp với phụ gia để cải tạo đất loại sét yếu có HLHC cao (đất TBH) và đất nhiễm muối ở mức mặn đến rất mặn tại vùng ĐBSCL.
6.2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu: đất loại sét yếu phổ biến ở ĐBSCL, phân bố trong phạm vi chiều sâu 20m, dự kiến hết chiều dày tầng đất yếu nhằm cải tạo chúng bằng xi măng phục vụ xây dựng các công trình có quy mô vừa và nhỏ như: đê bao, bờ bao, cống nhỏ, công trình hạ tầng, nhà công nghiệp và dân dụng thấp tầng.
– Phạm vi nghiên cứu: các đặc tính xây dựng như thành phần (hạt, khoáng vật, hóa học, muối, phèn, hữu cơ, pH, khả năng trao đổi cation) của đất ảnh hưởng đến chất lượng đất gia cố bằng xi măng và xi măng với phụ gia
7. Các phương pháp nghiên cứu
– Phương pháp kế thừa: thu thập, phân tích, tổng hợp, kế thừa các tài liệu đã có;
– Phương pháp thực nghiệm: nghiên cứu thực nghiệm trong phòng và hiện trường;
– Phương pháp phân tích hệ thống: phân tích, thống kê, luận giải các kết quả nghiên cứu.
8. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn
8.1. Ý nghĩa khoa học:
Kết quả nghiên cứu của luận án đã góp phần bổ sung vào phương pháp luận nghiên cứu Đất xây dựng khu vực; bước đầu làm sáng tỏ quy luật chung về sự biến đổi các đặc tính xây dựng của một số loại đất sét yếu phổ biến vùng ĐBSCL; bổ sung vào những thành tựu nghiên cứu trong phòng và ngoài trời trong cải tạo đất loại sét yếu bằng xi măng và xi măng với phụ gia ở ĐBSCL.
8.2. Ý nghĩa thực tiễn:
Kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học để sử dụng làm tài liệu tham khảo, định hướng cho công tác khảo sát, thiết kế, xử lý nền đất yếu bằng xi măng và biện pháp xử lý nền khi gặp đất yếu có tính đặc biệt phục vụ xây dựng các công trình quy mô vừa và nhỏ ở ĐBSCL. Kết quả nghiên cứu của luận án cũng có thể dùng để thiết kế cho các khu vực có điều kiện đất nền tương tự.
9. Những điểm mới của luận án
1. Kết quả nghiên cứu của luận án đã đánh giá phân tích có hệ thống làm sáng tỏ được sự ảnh hưởng đặc tính xây dựng của đất đến chất lượng đất gia cố và phân thành 3 nhóm đất theo mức độ thuận lợi dùng cho cải tạo đất yếu bằng xi măng ở ĐBSCL: thuận lợi (nhóm 1), ít thuận lợi (nhóm 2, gồm phụ nhóm 2a và 2b) và không thuận lợi (nhóm 3).
2. Luận án đã đánh giá được các yếu tố ảnh hưởng của đặc tính xây dựng của đất loại sét yếu ở ĐBSCL đến chất lượng đất gia cố như thành phần hạt, khoáng vật, hóa học, muối, hữu cơ, pH, khả năng trao đổi cation và phân tích những ảnh hưởng tích cực, tiêu cực của từng yếu tố nêu trên; Luận án cũng đánh giá ảnh hưởng của thành phần hóa học xi măng, loại xi măng đến đất gia cố, các quan hệ về cường độ của mẫu ở các ngày tuổi khác nhau, mẫu trong phòng và hiện trường.
3. Đã đề xuất được giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả cải tạo đất thuộc phụ nhóm 2b (với các phụ gia là vôi 4%, thạch cao 2%, Rovo là 1,5% cho cường độ là tốt nhất) và nhóm 3 (lượng phụ gia tối ưu là vôi 4%, thạch cao là 2% và Rovo là 1% và thủy tinh lỏng là 0,5%, trong đó mẫu với 0,5% thủy tinh lỏng cho cường độ cao nhất).