1. Lý do chọn đề tài:
Nguyên tắc thứ 13 của Tuyên bố Stockholm khẳng định: “Nhằm đặt được việc quản lí tài nguyên hợp lí và tiến đến cải thiện môi trường, các nước cần phải chấp nhận cách tiếp cận tổng hợp và phối hợp trong quy hoạch phát triển nhằm đảm bảo phát triển tương hợp với nhu cầu bảo vệ và cải thiện môi trường vì lợi ích của nhân dân các nước”. Việt Nam là quốc gia đang đối mặt với nhiều thách thức về MT là hậu quả của sự thiếu quan tâm đến BVMT trong nhiều thập kỷ qua đặc biệt là vấn đề ô nhiễm chất thải. Đây là những thách thức trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và PTBV của đất nước.
Môi trường bị ô nhiễm bởi nhiều loại CT khác nhau song CTRSH vẫn là nguyên nhân chủ yếu và khó kiểm soát. Tại các đô thị, cùng với tốc độ ĐTH, sự giá tăng dân số, phát triển các khu công nghiệp, lượng CTRSH chưa được thu gom và xử lý triệt để, hiệu quả là nguyên nhân gây ra ô nhiễm các nguồn nước, đất, không khí, nguồn dịch bệnh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và PTBV.
Vì vậy, việc quản lý môi trường đô thị, đặc biệt là việc quản lý CTRSH từ thu gom, vận chuyển và xử lý tại các đô thị còn nhiều bất cập, đang là vấn đề cấp bách của Nhà nước nói chung và của các cấp chính quyền. Thách thức này càng trở nên lớn hơn, khi Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, quá trình ĐTH diễn ra với tốc độ nhanh trong lúc đó HTKT và phương thức quản lý CT đang không đáp ứng được yêu cầu.
Tính đến tháng 12/2013, cả nước có 770 đô thị với tỷ lệ dân số khoảng 33,47% tổng số dân (khoảng 30,1 triệu người), tổng lượng CTRSH phát sinh tại các đô thị trên cả nước khoảng 31.500 tấn/ngày [4]; nhu cầu thu gom vận chuyển xử lý CTRSH là rất lớn. Nguồn tài chính từ ngân sách đầu tư cho công tác quản lý CTRSH, đặc biệt công tác tái chế, xử lý còn hạn hẹp, rất cần thực hiện XHH huy động nguồn lực từ xã hội để thực hiện công tác này.
Vì vậy, công tác huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong mọi hoạt động BVMT ngày càng được quan tâm cả về mặt chính sách và các biện pháp thực hiện. Nghị quyết của Bộ Chính trị số 41/2004/NQ/TW về BVMT trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định: “BVMT là vấn đề sống còn của nhân loại; là nhân tố bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của nhân dân; góp phần quan trọng vào việc phát triển KTXH, ổn định chính trị, an ninh quốc gia và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của nước tả”.
Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XI đã đặt mục tiêu rất cụ thể về BVMT. “Các đô thị loại 4 trở lên và các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung. 95% chất thải rắn thông thường, 85% chất thải nguy hại và 100% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn” [2].
Trong khi đó, hiện trạng quản lý CTRSH ở nước ta còn yếu kém kể cả về thể chế và năng lực. Luật BVMT và các văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật, chưa tạo được cơ chế, chính sách quản lý phù hợp để thu hút các thành phần kinh tế tham gia. Các tổ chức, các thành phần kinh tế tư nhân, các cơ quan quản lý môi trường, qui hoạch xây dựng hầu như chưa quan tâm nhiều đến khía cạnh quản lý CTRSH, đặc biệt là khai thác khía cạnh của kinh tế chất thải. Để vượt qua những thách thức này, cần có những mô hình, giải pháp phù hợp cho công tác quản lý CTRSH để mang lại một hiệu quả kinh tế nhất định cho xã hội.
Vinh là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Nghệ An, là trung tâm của vùng BTB, nơi có sự phát triển toàn diện cả về công nghiệp, dịch vụ, du lịch và đào tạo. Dân số của TP cũng lớn so với nhiều đô thị cùng loại. Trong tương lai không xa khi hai khu công nghiệp lớn của cả nước, khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), khu công nghiệp Nghi Sơn (Thanh Hóa) đi vào hoạt động, TP Vinh sẽ là trung tâm và cũng là cầu nối giữa hai khu công nghiệp này. Vị thế này mang lại cơ hội phát triển song cũng là thách thức không nhỏ về mặt BVMT.
Một trong những thách thức đó là vấn đề CTRSH, dân số của TP và lượng khách du lịch sẽ tăng, kéo theo lượng CTRSH gia tăng. Trong bối cảnh đó, việc quản lý CTRSH cần được chú trọng nếu như TP không muốn đối mặt với những hậu quả có thể tác động xấu đến sự PTBV của TP. Trong những năm qua, mặc dù công tác quản lý CTRSH đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa mang lại những kết quả mong muốn. Khối lượng chất thải được thu gom, vận chuyển, xử lý chỉ khoảng 84% [65]. Công tác VSMT đô thị do Công ty MT đô thị của TP đảm nhiệm đối mặt với khó khăn do nguồn thu chỉ đảm bảo khoảng 30% cho chi phí thực tế.
TP Vinh là một trong những đô thị đi đầu công tác XHH quản lý CTRSH đô thị, tuy nhiên quá trình hoạt động còn nhiều lúng túng, chưa hiệu quả [65]. Sự tham gia của các thành phần kinh tế, các tổ chức, các cá nhân, cộng đồng dân cư còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò và hiệu quả của chính sách XHH hoạt động bảo BVMT. Mặt khác, các nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý CTRSH cho các đô thị BTB còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu BVMT. Mức độ thách thức của vấn đề quản lý CTRSH không chỉ ở TP Vinh, còn lớn hơn rất nhiều, trong bối cảnh công tác quản lý CTRSH hoạt động thiếu hiệu quả ở các đô thị ở BTB, nơi có có điều kiện kinh tế còn nghèo, chậm phát triển, cơ sở hạ tầng còn yếu, điều kiện tự nhiên khắc nhiệt, nhiệt độ cao vào mùa hè và mưa nhiều vào mùa mưa.