TRANG THÔNG TIN NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI VẺ MẶT HỌC THUẬT, LÝ LUẬN CỦA LUẬN ÁN TIẾN SĨ
1. Tên luận án: “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất đổi mới pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
2. Thông tin về nghiên cứu sinh:
Họ và tên nghiên cứu sinh: Đào Trung Chính
Năm nhập học: 2009 Năm tốt nghiệp: 2014
Chuyên ngành: Quản lý đất đai Mã số: 62 85 01 03
Chức danh khoa học, học vị và tên người hướng dẫn:
1. GS.TSKH. Đặng Hùng Võ
2. PGS.TS. Nguyễn Thanh Trà
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học nông nghiệp Hà Nội
3. Giới thiệu về luận án:
1) Luận án nghiên cứu, phân tích và làm rõ bản chất, đặc điểm của việc thu hồi đất; phân tích sự khác nhau của các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; phân tích rõ sự khác nhau giữa thu hồi đất với trưng mua, trưng dụng đất. Phân tích làm rõ bản chất, sự khác nhau giữa bồi thường trong các pháp luật hiện hành. Phân tích sự khác nhau giữa bồi thường với hỗ trợ và với tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
2) Nghiên cứu, phân tích và đánh giá thực trạng việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư qua các giai đoạn của pháp luật về đất đai ở Việt Nam; tổng hợp, phân tích kết quả điều tra thực tế về tình hình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại một số địa phương; đánh giá những mặt được, chưa được của quy định pháp luật và việc tổ chức thực hiện về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
3) Đề xuất đổi mới quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên nguyên tắc đa dạng hóa quá trình chuyển dịch đất đai dựa vào điều chỉnh lợi ích trong cơ chế thị trường.
4. Đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của luận án:
Trong những năm qua, mỗi khi cần xây dựng, sửa đổi Luật Đất đai, các vấn đề đưa ra sửa đổi đều chỉ dựa trên các quan điểm chỉ đạo mang tính khắc phục các nhược điểm trong thực tế triển khai của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, lý luận về đất đai khá phức tạp, sở hữu toàn dân về đất đai ở nước ta trên thực tế không còn nguyên nghĩa khi Nhà nước đã chia sẻ cả 3 quyền năng chiếm hữu, định đoạt, sử dụng – hưởng lợi cho những người sử dụng đất. Như vậy, việc Nhà nước thu hồi và thực hiện bồi thường cũng chỉ đúng với khía cạnh đất đai là tài sản của người sửdụng đất, mà không phù hợp với khía cạnh đất đai là tư liệu sản xuất mang lại sinh kế cho người sử dụng đất, là tài nguyên quý giá của đất nước. Việc đưa ra một hệ thống lý luận về Nhà nước thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên cơ sở sở hữu toàn dân về đất đai trong mô hình KTTT định hướng XHCN chưa được nghiên cứu toàn diện trong một đề tài khoa học nào và đây chính là đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận của Luận án.