TRANG THÔNG TIN VỀ LUẬN ÁN
* Đề tài luận án “Nghiên cứu cân bằng dinh dưỡng Kali cho mía đồi vùng Lam Sơn Thanh Hóa”
Họ tên nghiên cứu sinh: Phạm Thị Thanh Hương
Chuyên ngành: Khoa học đất. Mã số: 62 62 01 03
Khóa đào tạo: 2009 – 2013
Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS.TS Nguyễn Văn Bộ
2. TS. Trần Công Hạnh
Cơ sở đào tạo: Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
I. TÓM TẮT NỘI DUNG LUẬN ÁN
Bố trí các thí nghiệm trong chậu và ngoài đồng ruộng với giống mía MY 55-14, trên loại đất xám feralit, vùng mía Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa để đánh giá khả năng cung cấp K của đất, xác định các nguồn đầu vào, đầu ra của cân bằng dinh dưỡng K và mối quan hệ giữa chúng với sinh trưởng, năng suất mía, hàm lượng đường tại các mức bón K khác nhau. Qua đó thiết lập phương trình thực nghiệm xác định lượng bón K phù hợp theo mục tiêu năng suất, đánh giá cân bằng K trong điều kiện sản xuất hiện tại và xây dựng mô hình thử nghiệm quản lý bền vững dinh dưỡng K thông qua cân bằng dinh dưỡng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất mía và duy trì dự trữ K trong đất đảm bảo cho phát triển sản xuất bền vững.
Từ khóa: Cây mía, kali, kali đầu vào, kali đầu ra, cân bằng kali
II. NHỮNG KẾT QUẢ MỚI CỦA LUẬN ÁN
1) Đã xác định được các nguồn dinh dưỡng đầu vào, đầu ra của cân bằng K cho mía trong điều kiện sản xuất hiện tại vùng Lam Sơn Thanh Hóa gồm: 3 nguồn đầu vào (phân khoáng, nguyên liệu hữu cơ trong phân bón NPK Lam Sơn, nước mưa) và bốn nguồn K đầu ra (mía cây, ngọn lá mía, xói mòn, rửa trôi).
2) Đã xác định được khả năng cung cấp K của đất và lượng các nguồn dinh dưỡng đầu vào, đầu ra của cân bằng K cho mía: khả năng cung cấp K của đất 61,6 kg K2O/ha/vụ; lượng K do nước mưa cung cấp 8,2 kg K2O/ha/năm; lượng K mất do xói mòn 17,7 kg K2O/ha/năm; lượng K mất do rửa trôi 25,3 kg K2O/ha/năm.
3) Đã xác định được mối quan hệ giữa lượng bón K với năng suất, chất lượng mía và hàm lượng K tích lũy trong sản phẩm thu hoạch. Trên nến bón 200N + 100 P2O5, giống mía MY 55-14, trồng trên đất xám ferralit, không có tưới, hiệu suất K đạt cao nhất ở mức bón 100 kg K₂O/ha (85 kg mía/kg K₂O, 15 kg đường/kg K₂O), hiệu suất nông học (RIEK) của K từ 0,19 – 0,24%, chỉ số thu hoạch của K (HI) từ 0,68 – 0,74, hiệu suất sử dụng K trong phân khoáng (REK) từ 45 – 39%
4) Đã xác định được cân bằng K trong điều kiện sản xuất hiện tại vùng Lam Sơn có giá trị âm ở mức 7,5 kg K2O/ha/vụ. Để đạt mục tiêu năng suất mía 70 tấn/ha trở lên, đồng thời duy trì được dự trữ K trong đất, cần bổ sung tối thiểu 200 kg K2O/ha/vụ.
5) Đã thiết lập được phương trình thực nghiệm xác định lượng bón K theo mục tiêu năng suất đối với giống mía MY 55 – 14 trồng trên đất xám ferralit điển hình, không có tưới, nền bón 200 N + 100 P2O5 là: FK = 10 GY x RIEK + 25 (GY – 57,85) x RIEK – KCR + 36,2, trong đó Fx là lượng K khoáng cần bón (kg K2O/ha); GY là năng suất mục tiêu (tấn/ha); RIEx là hiệu suất nông học của K được xác định qua phương trình RIEK = 0,007 GY – 0,327; Kcr là lượng K do trả lại ngọn lá mía được xác định qua phương trình KCR = GY x RIEK x 0,32 CRR (CRR là số phần trăm NLM vùi trả lại cho đất).
6) Đã xác định được hiệu quả mô hình quản lý bền vững dinh dưỡng K cho mía (xác định lượng bón trên cơ sở cân bằng dinh dưỡng, trả lại 100% ngọn lá mía sau thu hoạch, hệ số suy trì dự trữ K trong đất = 1). So với kỹ thuật bón phân hiện đang áp dụng trong vùng, năng suất mía trong mô hình tăng 9,8% (6,22 tấn/ha), năng suất đường tăng 29,9% (1,92 tấn/ha), tỷ suất chi phí lợi nhuận cận biên đạt 2,96 lần, duy trì được hàm lượng K dự trữ trong đất sau mỗi vụ trồng mía.
III. KHẢ NĂNG ỨNG DỤNG THỰC TIỄN
Kết quả nghiên cứu của đề tài luận án là cơ sở để phổ biến vận dụng trong việc xác định lượng bón K theo mục tiêu năng suất và thực hiện quản lý bền vững dinh dưỡng K theo vùng chuyên biệt để nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả sản xuất mía, đồng thời duy trì hàm lượng K trong đất, đảm bảo cho phát triển bền vững sản xuất mía đồi vùng Lam Sơn Thanh Hóa và các vùng trồng mía khác trong cả nước có điều kiện tương tự.