TRANG THÔNG TIN VỀ LUẬN ÁN
Tên đề tài luận án: “Nghiên cứu ứng dụng chỉ thị phân tử trong chọn tạo giống lúa Bắc Thơm 7 chịu mặn”
Chuyên ngành: Di truyền Chọn giống; Mã số: 62.62.01.11
Họ tên nghiên cứu sinh: Đồng Thị Kim Cúc. Khóa đào tạo: Năm 2010
Người hướng dẫn khoa học:
1. Người hướng dẫn 1: PGS.TS Lê Huy Hàm
2. Người hướng dẫn 2: TS Lê Hùng Lĩnh
Cơ sở đào tạo: Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.
1. Tóm tắt nội dung luận án (abstract):
* Nội dung 1: Nghiên cứu, đánh giá khả năng chịu mặn và đặc điểm nông sinh học các dòng/giống lúa mang locus gen Saltol chịu mặn nhập nội từ IRRI và giống lúa thuần trồng đại trà trong nước làm cơ sở trong việc chọn tạo giống lúa chịu mặn tại một số tỉnh ven biển miền Bắc Việt Nam.
Đánh giá khả năng chịu mặn của các dòng/giống lúa trong điều kiện nhân tạo.
Đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của một số giống lúa có khả năng chịu mặn tại vùng ven biển ĐBSH
* Nội dung 2: Nghiên cứu ứng dụng phương pháp chọn giống bằng chỉ thị phân tử và lai trở lại quy tụ locus gen Saltol chịu mặn vào giống lúa Bắc Thơm 7
Xác định vật liệu bố mẹ trong chọn tạo giống lúa mang gen saltol chịu mặn.
Ứng dụng chỉ thị phân tử và phương pháp lai trở lại trong chọn tạo giống lúa Bắc thơm 7 chịu mặn.
* Nội dung 3: Đánh giá một số đặc tính nông sinh học chính, yếu tố cấu thành năng suất, khả năng chịu mặn và chất lượng lúa gạo của các dòng được tạo ra mang QTL/gen Saltol trong điều kiện nhà lưới và ngoài đồng ruộng.
2. Những kết quả mới của luận án:
1/ Nghiên cứu đánh giá sinh trưởng, phát triển của các giống nhập nội từ Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) cho thấy:
Đã đánh giá một số giống lúa có khả năng chịu mặn, năng suất khá (giống FL478 và giống IR55179-3B-11-3).
Đã chọn lọc được giống FL478 (là giống cho QTL/gen Saltol) có đặc điểm nông sinh học tương tự một số giống đang trồng phổ biến ở đồng bằng sông Hồng (đạt năng suất 50,2 tạ/ha – 55,3 tạ/ha), đặc biệt có khả năng chịu mặn ở mức điểm 3 tương đương với giống Pokkali trong cùng điều kiện thí nghiệm.
2/ Ứng dụng phương pháp chọn giống hồi giao nhờ chỉ thị phân tử (MABC) là một trong những công trình nghiên cứu đầu tiên trong nghiên cứu cải tiến tính chịu mặn đối với một số giống lúa hiện đang trồng phổ biến ở vùng Đồng Bằng Sông Hồng.
Có 102 chỉ thị cho kết quả đa hình trong đó đã xác định được 6 chỉ thị phân tử ở vị trí 11,2 Mb – 13,3 Mb liên kết chặt với QTL/gen Saltol sử dụng để chọn lọc các cá thể mang QTL/gen Saltol và xác định được 96 chỉ thị phân tử đa hình trên 12 NST được sử dụng để sàng lọc cá thể mang nền di truyền giống mẹ cao nhất trong các quần thể nghiên cứu.
Ứng dụng chỉ thị và phương pháp lai trở lại bước đầu đã thành công trong việc tạo ra cá thể số IL30 và IL32 ở thế hệ BC3F1 có nền di truyền cao nhất giống mẹ ở mức 99,3% và 100% tại các vị trí chỉ thị phân tử đã khảo sát.
3/ Nghiên cứu thanh lọc mặn nhân tạo và đánh giá các đặc điểm nông học và năng suất của các dòng được tạo ra cho thấy:
Dòng Bắc Thơm 7-Saltol đã được chọn tạo bằng phương pháp MABC có khả năng chịu mặn điểm 3 tương đương với FL478
Hầu hết các dòng trong thí nghiệm có kiểu hình giống Bắc thơm ở mức ≈100% ở tất cả các chỉ tiêu theo dõi đồng thời mang QTL/gen Saltol thể hiện ở mức độ mặn (điểm 3) tương đương với giống Pokkali.
Đã chọn tạo được 8 dòng BT7-Saltol triển vọng có năng suất và chất lượng lúa gạo tương đương với giống lúa BT7.
3. Các ứng dụng/khả năng ứng dụng trong thực tiễn hay những vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
Để phát triển các dòng trên trở thành giống thương mại cần tiếp tục nghiên cứu chọn lọc trên đồng ruộng với các kịch bản chịu mặn khác nhau, đồng thời nghiên cứu một cách đầy đủ các đặc điểm sinh lý sinh hóa của giống được tạo ra.