TRÍCH YẾU LUẬN ÁN
I. Tóm tắt mở đầu:
Tác giả: Nguyễn Tiến Long
Đề tài luận án: “Nghiên cứu phát triển giống lúa kháng rầy nâu (Nilarpavata lugens Stal) ở Thừa Thiên Huế”
Chuyên ngành: Khoa học cây trồng
Mã số: 62.62.01.10
Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS.TS. Trần Đăng Hòa – Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế
2. PGS.TS. Trần Thị Lệ – Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế
Đơn vị đào tạo SĐH: Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Huế
II. Nội dung bản trích yếu:
1. Mục tiêu nghiên cứu:
– Nghiên cứu chủng quần rầy nâu ở Thừa Thiên Huế làm cơ sở cho công tác phòng trừ rầy nâu gây hại trên cây lúa trong khu vực đạt hiệu quả cao, góp phần tăng năng suất, chất lượng lúa gạo của vùng nghiên cứu.
– Đánh giá được khả năng kháng rầy nâu của các giống lúa đang sản xuất, và các giống lúa mới có triển vọng từ đó xác định nguồn gen kháng là cơ sở cho việc sử dụng giống kháng rầy nâu có năng suất, phẩm chất tốt góp phần xây dựng hệ thống phòng trừ sâu bệnh hại ở Thừa Thiên Huế.
– Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật canh tác đối với sản xuất giống lúa kháng rầy nâu tại tỉnh Thừa Thiên Huế như: Phân bón, mật độ… nhằm hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất lúa thương phẩm tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Đối tượng nghiên cứu:
– Rầy nâu và gen kháng rầy nâu.
– Phản ứng kháng của các giống lúa nghiên cứu với quần thể rầy nâu ở Thừa Thiên Huế.
– Các mật độ gieo sạ và các công thức phân bón đối với giống lúa kháng
3. Nội dung nghiên cứu:
– Xác định biotype rầy nâu; đánh giá khả năng kháng rầy nâu của các giống lúa đang sử dụng phổ biến và các giống lúa mới, nhập nội có triển vọng ở Thừa Thiên Huế.
– Xác định gen kháng đối với các giống lúa có biểu hiện kháng rầy nâu trong phòng thí nghiệm.
– Đánh giá sinh trưởng, phát triển, năng suất, khả năng kháng rầy của một số giống tuyển chọn.
– Phân tích phẩm chất của một số giống tuyển chọn
– Nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật canh tác (mật độ, phân bón) đối với gống lúa kháng rầy nâu tại Thừa Thiên Huế.
4. Giới hạn đề tài
Đề tài đã xác định biotype rầy nâu ở Thừa Thiên Huế. Đồng thời, đánh giá khả năng kháng rầy nâu của các giống lúa mới (gồm 5 giống lúa mang gen kháng, 27 giống nhập nội từ Nhật Bản, 30 giống nhập nội từ IRRI, 2 giống thu thập ở Quảng Nam, 1 giống chuẩn nhiễm và 1 giống trồng phổ biến ở địa phương), để chọn ra được một số giống lúa có khả năng kháng rầy nâu, đồng thời có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái và canh tác ở Thừa Thiên Huế. Nghiên cứu ảnh hưởng của một số biện pháp kỹ thuật canh tác đối với giống lúa kháng rầy nâu tại tỉnh Thừa Thiên Huế, trên cơ sở đó hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất giống lúa kháng rầy nâu và thủ tục công nhận giống để sớm đưa vào cơ cấu sản xuất của tỉnh Thừa Thiên Huế.
5. Các phương pháp nghiên cứu đã sử dụng trong luận án:
– Phương pháp thu thập và nuôi rầy
Thu thập rầy nâu trên các ruộng lúa ở Thừa Thiên Huế. Nhân nuôi quần thể rầy nâu bằng giống lúa TN1.
– Phương pháp xác định Biotype rầy nâu
Đánh giá độc tính của rầy nâu đối với các giống chuẩn kháng theo phương pháp trong ống nghiệm của Tanaka và Matsumura (2000) và trong khay mạ của IRRI.
Biotype của các quần thể rầy nâu được xác định dựa vào mức độ kháng và mối quan hệ giữa giữa gen kháng và các loại biotype của Khush và Brar (1991) và Zhang (2007).
– Phương pháp đánh giá tính kháng rầy nâu của các giống lúa trong phòng thí nghiệm
Đánh giá phản ứng của các giống lúa đối với quần thể rầy nâu bằng các phương pháp của IRRI: Đánh giá theo từng giống riêng lẻ trong ống nghiệm (không có sự lựa chọn thức ăn: non-choice test) và đánh giá chung cho tất cả các giống trong khay mạ (có sự lựa chọn thức ăn: choice test).
– Phương pháp nhận diện sự có mặt của các gen kháng rầy nâu trong các giống có biểu hiện kháng rầy nâu
Tách chiết DNA tổng số theo phương pháp của Kang và cộng sự (2003). Sử dụng phương pháp PCR nhận diện sự có mặt của các gen kháng rầy nâu.
– Phương pháp đánh giá sinh trưởng, phát triển, năng suất, phẩm chất và khả năng kháng rầy nâu của một số giống tuyển chọn trên đồng ruộng
Thí nghiệm bố trí theo phương pháp khối hoàn toàn ngẫu nhiên (RCB), 3 lần lặp lại, diện tích mỗi ô thí nghiệm 20m².
– Điều tra sâu hại: Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phương pháp điều tra phát hiện dịch hại cây trồng (QCVN 01 – 38:2010/BNNPTNT).
+ Theo dõi các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển, năng suất: Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng của giống lúa (QCVN 01 – 55:2011/BNNPTNT).
– Phương pháp đánh giá các chỉ tiêu phẩm chất gạo của các giống lúa
Theo 10TCN 558-2002
– Phương pháp nghiên cứu ảnh hưởng của biện pháp kỹ thuật canh tác (mật độ, phân bón) đối với giống lúa kháng rầy nâu tại Thừa Thiên Huế
Thí nghiệm bố trí theo phương pháp khối hoàn toàn ngẫu nhiên (RCB), 3 lần lặp lại; diện tích mỗi ô thí nghiệm là 20 m².
– Các chỉ tiêu theo dõi: Mật độ rầy nâu (con/m²); Chiều cao cây (cm); Khả năng đẻ nhánh (nhánh); Số bông/m² (bông); Số hạt/bông (hạt); Số hạt chắc/bông (hạt); P1000 hạt (gam); Năng suất lý thuyết (tạ/ha); Năng suất thực thu (tạ/ha).
– Phương pháp xử lý số liệu
Các chỉ tiêu theo dõi trên đồng ruộng của các giống lúa được so sánh bằng phương pháp phân tích phương sai một nhân tố (one-way ANOVA) bằng phần mềm Statistix 9.0.
6. Cấu trúc luận án:
Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung chính của luận án gồm 124 trang, chia thành 3 chương:
– Chương 1: Tổng quan tài liệu nghiên cứu
– Chương 2: Đối tượng, nội dung và phương pháp nghiên cứu
– Chương 3: Kết quả nghiên cứu và thảo luận
7. Những đóng góp mới của luận án:
– Trong 61 giống lúa nghiên cứu có 14 giống (HP01, HP04, HP05, HP06, HP07, HP10, HP19, HP28, HP29, G8, G11, G19, RNT07, RNT03) biểu hiện mức độ kháng vừa với quần thể rầy nâu ở Thừa Thiên Huế ở trong phòng thínghiệm.
– Các giống lúa biểu hiện kháng rầy nâu được chọn lọc trong phòng thínghiệm được kiểm tra với 3 primer (cặp mồi) đặc hiệu của các gen kháng Bph1, bph2 và Bph3 thì hầu hết đều có xuất hiện băng kháng với ít nhất 1 cặp mồi. Điều này chứng tỏ các giống lúa này có liên kết chặt với các gen kháng Bph1, bph2 và Bph3.
– Các giống lúa được chọn lọc từ phòng thí nghiệm đều có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt ở hai vùng nghiên cứu trên địa bàn Thừa Thiên Huế (Hương Trà và Phú Vang), thể hiện ở năng suất thu được khá cao trên các ruộng thí nghiệm, đồng thời cho phẩm chất khá tốt, khả năng kháng rây cao. Trong đó, ba giống lúa HP07, HP10, HP28 biểu hiện khả năng kháng rầy cao nhất.
– Ở Thừa Thiên Huế, mật độ gieo sạ 60kg/ha và bón phân theo công thức 120N-90P – 100K – 500kg vôi – 10 tấn phân chuồng/ha cho các yếu tố cấu thành năng suất, năng suất thực thu cao nhất ở cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu, đồng thời có khả năng hạn chế được mật độ rầy trên đồng ruộng.