Chương 1. XUẤT KHẨU GẠO VÀ TÀI CHÍNH VỚI VIỆC HỖ TRỢ XUẤT KHẨU GẠO
1.1 NHẬN THỨC CHUNG VỀ XUẤT KHẨU GẠO
1.1.1 Đặc điểm của thị trường xuất khẩu gạo
Kể từ khi xuất hiện tiền tệ, thị trường thường được hiểu là nơi diễn ra sự mua, bán hàng hóa (bao gồm hàng hoá hữu hình và hàng hoá vô hình – dịch vụ).
Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, giao dịch mua bán hàng hóa có thể diễn ra mà không cần gắn với một địa điểm địa lý nào. Người ta có thể tiến hành các thỏa thuận về mua bán hàng hóa với nhau qua điện thoại, fax hay thư điện tử mà không cần gặp nhau tại một nơi chốn cụ thể. Hàng hóa có thể được vận chuyển từ nơi này đến nơi khác mà không cần lấy một địa điểm nào làm trung gian; hay như trên những thị trường kỳ hạn, những thỏa thuận về hàng hóa và luồng vận động của tiền tệ có thể độc lập với luồng vận động của hàng hóa. Như thế, nói đến thị trường là nói đến nội dung kinh tế mà nó biểu thị chứ không phải hình dung nó như một nơi mà những nội dung này xảy ra.
Phạm vi địa lý là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho chúng ta xác định thị trường mang tính chất địa phương, vùng, quốc gia hay quốc tế.
Phần lớn thị trường nông sản trong các nước đang phát triển thông qua các quan hệ trực tiếp giữa người mua và người bán, định ra cho thị trường một vị trí địa lý cụ thể. Trên thị trường, giá cả hàng hoá giao dịch được xác định thông qua quan hệ cung cầu.
Nền kinh tế thị trường luôn tồn tại sự cạnh tranh của các nhà sản xuất, dựa vào hình thái, cạnh tranh được chia thành cạnh tranh hoàn hảo, cạnh tranh không hoàn hảo và độc quyền.
Cũng như mọi thị trường hàng hoá khác, thị trường gạo hàng hoá cũng là nơi cung và cầu về gạo hàng hoá gặp nhau, là nơi hình thành nên giá cả của gạo hàng hoá. Đối với thị trường gạo xuất khẩu là thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, giá cả thị trường bị ảnh hưởng bởi những nước xuất khẩu lớn, thường xuyên. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm chung giống như thị trường các loại hàng hóa khác, thị trường gạo chịu ảnh hưởng trực tiếp của đặc điểm sản xuất và tiêu dùng gạo.
Về sản xuất: Do sản xuất gạo mang tính thời vụ và phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên của từng vùng miền nên lượng cung về gạo phụ thuộc rất lớn vào thời vụ thu hoạch. Vào thời vụ thu hoạch, ở những vùng sản xuất gạo tập trung quy mô lớn như ở đồng bằng sông Cửu Long lượng lúa có thể tăng lên nhanh chóng (có thể từ 15 triệu tấn trở lên). Vì vậy, theo quy luật cung cầu giá lúa thường xuống thấp vào vụ thu hoạch. Đây là đặc điểm rất quan trọng của thị trường gạo đòi hỏi Nhà nước cần có những chính sách và giải pháp thích hợp để vừa đẩy mạnh xuất khẩu gạo, vừa bảo vệ được lợi ích của người nông dân trồng lúa. Như vậy, về nguồn cung gạo phụ thuộc rất lớn vào thời vụ thu hoạch, nhưng nhu cầu tiêu dùng lại quanh năm nên để hoạt động xuất khẩu gạo chủ động nguồn hàng và đảm bảo chất lượng gạo thì các công đoạn như chế biến, bảo quản gạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hoạt động xuất khẩu gạo. Đặc điểm này đặt ra cho mỗi quốc gia cũng như từng địa phương có lợi thế về sản xuất gạo lớn quan tâm đầu tư không chỉ tăng năng suất, chất lượng gạo mà còn phải quan tâm đến đầu tư phát triển công nghệ chế biến và bảo quản gạo.
Về tiêu dùng: gạo là mặt hàng tiêu dùng không thể thiếu đối với cuộc sống của người dân, người trồng lúa đồng thời là người tiêu dùng lúa do họ sản xuất ra. Hiện nay ở nước ta hầu hết các hộ gia đình nông dân ở các vùng miền khác nhau, kể cả vùng sản xuất gạo phân tán họ vẫn quan tâm đến việc sản xuất một lượng lương thực để tự cấp tự túc. Là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhưng trong xu hướng phát triển của nền kinh tế thì nhu cầu tiêu dùng gạo của mỗi người dân có xu hướng giảm xuống. Vì vậy, ngay trong điều kiện được mùa thì nhu cầu tiêu dùng của mỗi người dân cũng không vì thế mà tăng theo. Tính đặc thù về nhu cầu tiêu dùng gạo của người dân trong nước cũng như thế giới đang có xu hướng chuyển nhanh sang tiêu dùng các loại gạo chất lượng cao, các loại gạo đặc sản. Như vậy, xu hướng tiêu dùng gạo (cầu về gạo) đang có sự thay đổi từ lượng sang chất. Đặc điểm về cầu gạo đòi hỏi các chính phủ, nhất là những nước có truyền thống và nhiều lợi thế về sản xuất gạo như nước ta cần có chiến lược phát triển sản xuất gạo phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước cũng như các nước trên thế giới mới có cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao.
Thị trường tiêu thụ gạo có thể được phân thành nhiều thị trường khác nhau, tuỳ thuộc vào tiêu chí lựa chọn và mục đích nghiên cứu. Để phục vụ mục tiêu nghiên cứu, chúng ta sẽ đi sâu nghiên cứu thị trường gạo chủ yếu là thị trường xuất khẩu.
Thị trường xuất khẩu gạo: là nơi diễn ra các giao dịch gạo hàng hoá đáp ứng nhu cầu ngoài nước.
Thị trường gạo thế giới (xuất khẩu) diễn ra chủ yếu ở châu Á, châu Phi và Mỹ La Tinh. Số lượng gạo nhập khẩu thường xuyên phân tán ra nhiều nước, hầu như không có nước nào hàng năm nhập khẩu đều đặn lượng gạo lớn. Do đó, cũng không có nước nhập khẩu cá biệt nào giữ vị trí áp đảo chi phối biến động cung cầu, giá cả trên thị trường thế giới. Mặt khác, đội ngũ các nước nhập khẩu gạo cũng không cố định qua các giai đoạn.