THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ ĐƯA LÊN MẠNG
Tên đề tài luận án: Nghiên cứu một số cơ sở khoa học trồng rừng ngập mặn ở vùng đầm phá và ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế
Chuyên ngành: Lâm sinh, Mã số: 62 62 02 05
Họ và tên nghiên cứu sinh: Phạm Ngọc Dũng
Họ và tên cán bộ hướng dẫn: GS.TS. Võ Đại Hải
Tên cơ sở đào tạo: Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam
Tóm tắt những kết luận mới của Luận án:
– Diện tích rừng ngập mặn hiện có của tỉnh Thừa Thiên Huế là 26,8 ha. Thành phần loài cây ngập mặn có 42 loài, gồm 18 loài chính thức và 24 loài là cây tham gia vào rừng ngập mặn.
– Diện tích đất ngập mặn của tỉnh Thừa Thiên Huế là 2.765,8 ha, trong đó vùng ao nuôi thủy sản là 2.502,5 ha, vùng ven đầm phá là 206,9 ha, vùng cửa sông 40,4 ha và vùng ven biển chỉ có 16,0 ha. Đất ngập mặn của Thừa Thiên Huế có đặc tính chung là chua; thành phần cơ giới cát pha; đất giàu kali tổng số, hàm lượng lân, đạm tổng số và các bon hữu cơ có sự biến động khá lớn, từ mức nghèo đến khá tùy thuộc từng vùng đất.
– Sau 3 năm trồng ở vùng ven biển Lăng Cô và ven đầm Lập An cho thấy các loài Đước đôi, Vẹt khang và Mắm biển đều sinh trưởng tốt với tỷ lệ sống đạt khá cao từ 79,67 – 94,33%, lượng tăng trưởng bình quân chiều cao đạt 35,55-57,19 cm/năm, đường kính đạt 0,87 – 1,22 cm/năm. Loài Đước đôi và Vẹt khang sinh trưởng tốt hơn loài Mắm biển.
– Ở vùng ven biển Lăng Cô, cây Đước đôi trồng trên đất ngập triều trung bình, dạng đất sét mềm, thời gian ngập triều ngắn sinh trưởng tốt hơn cây trồng trên ngập triều thấp, dạng đất bùn loãng, thường xuyên bị ngập triều.
– Cây Đước đôi sinh trưởng tốt nhất khi được trồng ở khu vực cửa sông Hương, tiếp đến là ven biển Lăng Cô, ao nuôi thủy sản, thấp nhất là trồng ở ven phá Tam Giang.
– Các mức cắm sâu khác nhau ảnh hưởng đến sự nảy mầm của trụ mầm, sinh trưởng, sinh khối của cây con Đước đôi và cây Vẹt khang. Với túi bầu ươm cây có kích thước 12 x 20cm thì mức cắm sâu 1/3 đối với trụ mầm Đước đôi (sâu 10 cm) và mức cắm 3/4 đối với trụ mầm Vẹt khang (sâu 6 cm) là tốt nhất.
– Độ mặn nước tưới ảnh hưởng lớn đến sự nảy mầm, tỷ lệ sống, sinh trưởng và sinh khối của cây Đước đôi và cây Vẹt khang. Giai đoạn từ khi gieo trụ mầm đến khi cây con 3 tháng tuổi, tưới nước ngọt có lợi nhất cho sự nảy mầm và sinh trưởng của cây con; từ 4 đến 6 tháng tuổi, độ mặn 10‰ có lợi nhất cho sinh trưởng của cây Đước đôi và 5‰ có lợi nhất cho sinh trưởng của cây Vẹt khang.
– Mức ngập nước của bầu cây ảnh hưởng đáng kể đến sinh trưởng của cây con Vẹt khang và Đước đôi. Mức ngập nước từ 50-100% túi bầu có lợi nhất cho sinh trưởng của cây con Vẹt khang; đối với cây Đước đôi thì mức ngập 100% túi bầu là hiệu quả nhất.
– Tiêu chuẩn cây con xuất vườn đề xuất cho loài Đước đôi là cao từ 40-60 cm khi cây có 6-8 lá; loài Vẹt khang cao từ 25-35cm, cây có 6-10 lá; tiêu chuẩn chung cho các loài cây là kích thước bầu 12 x 20 cm, tuổi cây 6 tháng, thân thẳng, bộ rễ tốt, cây khỏe mạnh không sâu bệnh.