TRANG THÔNG TIN VỀ LUẬN ÁN
Tên luận án: “Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa của nông hộ ở thành phố Cần Thơ”.
Chuyên ngành: Kinh tế nông nghiệp Mã số: 62620115
Họ tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Tiến Dũng
Người hướng dẫn khoa học: PGS TS Lê Khương Ninh
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Cần Thơ
1. Tóm tắt nội dung luận án
Mục tiêu chung của luận án là đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa cho nông hộ ở TP. Cần Thơ trên cơ sở kết quả ước lượng hiệu quả kinh tế và ảnh hưởng của các yếu tố đến hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa thông qua hệ thống số liệu sơ cấp được thu thập ngẫu nhiên từ 815 nông hộ ở Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ và Phong Điền (là 4 huyện sản xuất lúa của TP. Cần Thơ). Nhằm đáp ứng mục tiêu nghiên cứu, luận án sử dụng phương pháp phân tích hồi quy Tobit ước lượng ảnh hưởng của các yếu tố đến hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa của nông hộ TP. Cần Thơ.
Kết quả ước lượng hiệu quả kinh tế và ước lượng mô hình phân tích ảnh hưởng của các yếu tố đến hiệu quả kinh tế cho thấy trong sản xuất lúa của nông hộ – hiệu quả kinh tế chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố đo lường (trực tiếp hay gián tiếp) đó là năng lực lựa chọn các yếu tố đầu vào và đầu ra của nông hộ (mua vật tư, bán lúa, tiền nhàn rỗi). Ngoài ra, cũng còn có các yếu tố liên quan (quy mô diện tích, khuyến nông, khoảng cách từ nơi ở đến trung tâm, v.v.). Đồng thời, các yếu tố nêu trên lại chịu tác động bởi chính sách của Chính phủ (nhà quản lý), DN, thương lái, v.v. (ngoại vi) và năng lực khai thác các nguồn lực của bản thân nông hộ (nội tại). Tuy nhiên, kết quả phân tích cũng cho thấy trong các yếu tố ảnh hưởng đến mức hiệu quả kinh tế đạt được, đến khoảng 90% các yếu tố mà nông hộ có thể kiểm soát được.
Trên cơ sở đó, luận án đã đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa cho nông hộ ở TP. Cần Thơ nói riêng hay nông hộ vùng ĐBSCL nói chung.
2. Những kết quả mới của luận án:
– Kết quả phân tích cho thấy khi diện tích canh tác của nông hộ trồng lúa nhỏ nhỏ hơn 5,08 ha thì hiệu quả kinh tế tăng theo quy mô. Vì vậy, nông hộ có đủ điều kiện nên phát triển theo hướng đầu tư mua thêm ruộng đất để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, khi diện tích đất canh tác tăng vượt quá 5,08 ha thì nông hộ sẽ phải thuê mướn lao động và khó kiểm soát động cơ làm việc của họ nên hiệu quả kinh tế sẽ giảm. Vì vậy nông hộ có thể hợp tác sản xuất bằng cách tham gia hợp tác xã.
– Nếu nông hộ chủ động tham gia thị trường và trực tiếp bán lúa cho DN thì hiệu quả hơn là bán cho thương lái. Vì vậy, cần tăng cường phát triển liên kết dọc giữa công ty và người sản xuất nhằm rút ngắn kênh thị trường chuỗi, giảm tác nhân trung gian và chi phí trung gian.
– Hộ sản xuất theo mô hình luân canh đạt hiệu quả cao hơn hộ sản xuất theo mô hình độc canh. Nông hộ nên canh tác 2 vụ lúa, xen canh 1 vụ màu, kết hợp với nuôi tôm, cá trên đồng ruộng, trồng cây ăn trái. Chính phủ cần có chính sách khuyến khích nông hộ hạn chế độc canh cây lúa.
– Tỷ trọng số tiền mua chịu vật tư trong tổng số tiền mua vật tư nông nghiệp của nông hộ càng nhiều thì tính phi hiệu quả trong sản xuất lúa càng cao. Vì vậy, cần phải phát triển thị trường tín dụng nông thôn để kịp thời hỗ trợ tín dụng chính thức cho nông hộ.
– Vốn tự tích lũy của nông hộ đóng vai trò quan trọng đối với hiệu quả sản xuất lúa của nông hộ là do tính chủ động. Vốn nhàn rỗi chủ động xử lý khi có những việc đột xuất hay bất thường trước khi vay được vốn tín dụng.
– Hệ thống kết cấu hạ tầng tốt (thủy lợi, đường giao thông, thông tin liên lạc, hệ thống điện, bến cảng, kho bãi, chợ đầu mối, v.v.) sẽ góp phần tăng cường khả năng trao đổi, mua bán sản phẩm, qua đó làm tăng thu nhập của người dân nông thôn nói chung và của nông hộ sản xuất lúa nói riêng.
– Hoạt động hỗ trợ thông tin đầu ra và phương thức bán lúa (trực tiếp) có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa của nông hộ. Tương tự, khi được hỗ thông tin về thị trường đầu vào (giống, phân và nông dược), nông hộ có thể chủ động chọn lựa yếu tố đầu vào phù hợp, giúp cây lúa sinh trưởng tốt và tăng năng suất nên hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa sẽ tăng.
3. Các ứng dụng trong thực tiễn, các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu:
3.1. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn
– Trên cơ sở lý thuyết về ước lượng hiệu quả kinh tế cũng như đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa của nông hộ một cách đầy đủ và có độ tin cậy cao của luận án sẽ là cơ sở để cho các nghiên cứu sau tham khảo.
– Từ các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản suất lúa của nông hộ ở TP. Cần Thơ nói riêng và nông hộ ở khu vực ĐBSCL nói chung, giúp cho các nhà lập chính sách, các nhà quản lý cũng như nông hộ khắc phục những yếu kém dẫn đến phi hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa.
3.2. Vấn đề bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu
– Những tác động của khoa học kỹ thuật đến hiệu quả trong sản xuất lúa của nông hộ.
– Ảnh hưởng của cơ giới hóa đến hiệu quả trong sản xuất lúa của nông hộ.
– Tác động của hệ thống chính sách vĩ mô của Chính phủ đến hiệu quả trong sản xuất lúa của nông hộ.