THÔNG TIN TÓM TẮT VỀ LUẬN ÁN TIẾN SĨ
Đề tài luận án: “Đảng bộ tỉnh Bình Dương lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở từ năm 1997 đến năm 2015”
Chuyên ngành: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
Mã số: 62 22 03 15
Nghiên cứu sinh: Phạm Hồng Kiên
Người hướng dẫn khoa học:
1) PGS, TS. Trần Thị Thu Hương
2) PGS, TS. Phạm Đức Kiên
Cơ sở đào tạo: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
TÓM TẮT NHỮNG KẾT LUẬN MỚI CỦA LUẬN ÁN
1. Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, từ khi tái lập tỉnh năm1997, Đảng bộ tỉnh Bình Dương đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng đội ngũ cán bộ vào xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, đề ra chủ trương, chính sách sát hợp thực tiễn địa phương và chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành tổ chức thực hiện. Do vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở của tỉnh Bình Dương không ngừng nâng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
2. Bên cạnh thành quả đạt được, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở của Đảng bộ tỉnh Bình Dương còn những hạn chế sau đây:1) Quy định về điều kiện, tiêu chuẩn chức danh đối với cán bộ chủ chốt cấp cơ sở của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân Tỉnh có sự khác nhau, gây khó khăn trong đánh giá và quy hoạch cán bộ; 2) Công tác xây dựng quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp cơ sở, trên một số mặt, ở một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu; 3) Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cấp cơ sở nặng về lý thuyết, chưa chú trọng kỹ năng, xử lý tình huống; 4) Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cho cán bộ và công tác kiểm tra, giám sát ở một số địa phương chưa thường xuyên, chưa kịp thời.
3. Một số kinh nghiệm đúc kết từ thực tiễn quá trình lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở của Đảng bộ tỉnh Bình Dương giai đoạn 1997-2015 là: 1) Vận dụng đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt chủ trương của Trung ương Đảng vào thực tiễn của địa phương để xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở; 2) Nhận thức đúng vai trò của từng khâu trong công tác cán bộ, tổ chức thực hiện đồng bộ, kết hợp chặt chẽ giữa các khâu của công tác cán bộ trong xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở; 3) Gắn mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương với tiêu chuẩn đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở; 4) Dựa vào nhân dân, thông qua phong trào của quần chúng, đề cao trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở; 5) Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.