THÔNG TIN VỀ KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Tên luận án: DẠY HỌC THEO TÌNH HUỐNG MÔN GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG AN NINH TẠI CÁC TRUNG TÂM GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH KHU VỰC PHÍA NAM
Chuyên ngành : Giáo dục học
Họ tên nghiên cứu sinh: Cao Ngọc Báu
Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS TS Nguyễn Văn Tuấn
2. TS Đặng Văn Thành
Mã số: 91 40 101
MSNCS: 1500201
Cơ sở đào tạo: Viện Sư phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh
1. Tóm tắt nội dung luận án
Phương pháp dạy học môn Giáo dục quốc phòng và an ninh hiện nay ở các Trung tâm giáo dục quốc phòng an ninh khu vực phía Nam, chưa phát huy được tính tích cực, tự giác, sáng tạo của sinh viên và kết quả học tập của sinh viên chưa cao. Trong khi đó, dạy học theo tình huống đã được nhiều môn học vận dụng và đem lại hiệu quả. Nhưng trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh mà cụ thể là trong lĩnh vực giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên chưa được chú trọng nghiên cứu.
Nghiên cứu dạy học theo tình huống môn Giáo dục quốc phòng và an ninh tại các Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh khu vực phía Nam, với mục tiêu xây dựng tình huống có vấn đề và tổ chức dạy học theo tình huống có vấn đề nhằm phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo và nâng cao kết quả học tập của sinh viên. Luận án thực hiện tổng quan về nghiên cứu dạy học theo tình huống có vấn đề; xác định rõ cơ sở lý luận về dạy học theo tình huống có vấn đề, phân tích đặc điểm môn học xây dựng khung lý luận về dạy học theo tình huống có vấn đề môn Giáo dục quốc phòng và an ninh như: nguyên tắc, quy trình xây dựng tình huống có vấn đề và nguyên tắc, quy trình tổ chức dạy học theo tình huống có vấn đề môn Giáo dục quốc phòng và an ninh. Trên cơ sở tìm hiểu các Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh khu vực phía Nam, thực hiện khảo sát thực trạng hoạt động dạy học với 78 giảng viên và 417 sinh viên bằng phiếu hỏi, kết hợp với phỏng vấn sâu, quan sát hoạt động dạy học tại các trung tâm làm cơ sở thực tiễn cho đề tài. Từ khung lý luận và cơ sở thực tiễn về dạy học theo tình huống có vấn đề môn Giáo dục quốc phòng và an ninh, đề xuất xây dựng 51 tình huống và dạy học theo tình huống có vấn đề trong môn Giáo dục quốc phòng và an ninh. Đề tài kiểm nghiệm đánh giá kết quả nghiên cứu bằng hai phương pháp: Thứ nhất, sử dụng phương pháp xin ý kiến 24 chuyên gia để đánh giá quy trình xây dựng tình huống và 51 tình huống có vấn đề đã được xây dựng. Kết quả cho thấy: Quy trình xây dựng tình huống có vấn đề môn GDQP&AN mà tác giả luận án đề xuất là khoa học, phù hợp với môn học và mang tính ứng dụng cao; 51 THCVĐ được xây dựng trên cơ sở quy trình đề xuất phù hợp với mục tiêu môn học và môi trường thực tiễn hoạt động quân sự; rất khả thi trong sử dụng để phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo và nâng cao kết quả học tập của sinh viên; Thứ hai, sử dụng phương pháp thực nghiệm sư phạm có đối chứng trên 172 sinh viên tại Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh trường Đại học Cần Thơ. Kết quả cho thấy, dạy học theo tình huống có vấn đề không chỉ nâng cao kết quả học tập mà còn phát huy có hiệu quả tính tích cực, tự giác, sáng tạo của sinh viên trong cả hai đợt thực nghiệm đều được nâng cao rất rõ rệt. Điều đó đã chứng minh tính hiệu quả, tính khả thi của quy trình xây dựng tình huống có vấn đề và tổ chức dạy học theo tình huống có vấn đề môn Giáo dục quốc phòng và an ninh mà tác giả luận án đề xuất.
2. Những đóng góp mới của đề tài
Nghiên cứu này đã có những đóng góp:
Về lý luận: Đề tài đã tổng quan các nghiên cứu có liên quan tới xây dựng tình huống có vấn đề trong tổ chức dạy học theo tình huống có vấn đề; hệ thống hóa, làm rõ cơ sở lý luận về dạy học theo tình huống có vấn đề. Cụ thể như: Xây dựng các khái niệm cơ bản về tình huống, vấn đề, tình huống có vấn đề và dạy học theo tình huống có vấn đề; các loại tình huống có vấn đề, cấu trúc, quy trình xây dựng tình huống có vấn đề; cơ sở khoa học, bản chất, ưu điểm, nhược điểm, quy trình tổ chức dạy học theo tình huống có vấn đề; đánh giá kết quả học tập trong dạy học theo tình huống có vấn đề; xác định rõ sự khác biệt giữa dạy học theo tình huống có vấn đề với dạy học giải quyết vấn đề. Từ lý luận dạy học theo tình huống có vấn đề, trên cơ sở phân tích đặc điểm môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh, nghiên cứu xây dựng khung lý luận về dạy học theo tình huống có vấn đề môn Giáo dục quốc phòng và an ninh như: tình huống có vấn đề, nguyên tắc, quy trình xây dựng tình huống có vấn đề trong dạy học môn Giáo dục quốc phòng và an ninh; Nguyên tắc, quy trình tổ chức chức dạy học theo tình huống có vấn đề môn Giáo dục quốc phòng và an ninh; Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo tình huống có vấn đề trong dạy học môn Giáo dục quốc phòng và an ninh.
Về thực tiễn: Đánh giá khá rõ về thực trạng nhận thức, thực trạng tổ chức dạy học theo tình huống có vấn đề môn Giáo dục quốc phòng và an ninh như: phương pháp dạy học của giảng viên chủ yếu là thuyết trình và giảng giải; cách học của sinh viên là ghi nhớ và học thuộc lòng; kiểm tra, đánh giá chưa hướng tới suy luận, vận dụng tri thức giải quyết tình huống thực tiễn. Trong quá trình dạy học cũng đã có dáng dấp của dạy học theo tình huống có vấn đề, nhưng chưa theo một quy trình khoa học. Nghiên cứu thực trạng cũng cho thấy việc thiết kế nội dung dạy học thành những tình huống dạy học còn lúng túng, khó khăn mà nguyên nhân cơ bản là chưa có tài liệu hướng dẫn; giảng viên phải đầu tư nhiều thời gian công sức… Trên cơ sở thiết kế quy trình xây dựng tình huống có vấn đề, luận án đã xây dựng được 51 tình huống có vấn đề và xây dựng quy trình tổ chức dạy học theo tình huống có vấn đề môn Giáo dục quốc phòng và an ninh.