Luận án Giải pháp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm khóm góp phần cải thiện thu nhập cho nông hộ nghèo ở tỉnh Tiền Giang Lưu Free

Luận án Giải pháp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm khóm góp phần cải thiện thu nhập cho nông hộ nghèo ở tỉnh Tiền Giang

Danh mục: , Người đăng: Lâm Gia Mộc Nhà xuất bản: Tác giả: Ngôn ngữ: Tiếng Việt, Tiếng Anh Định dạng: , , Lượt xem: 0 lượt Lượt tải: 0 lượt
Tài liệu, tư liệu này được sưu tầm từ nhiều nguồn và chia sẽ miễn phí với mục đích tham khảo, các bạn đọc nghiên cứu và muốn trích lục lại nội dung xin hãy liên hệ Tác giả, bản quyền và nội dung tài liệu thuộc về Tác Giả & Cơ sở Giáo dục, Xin cảm ơn !

Nội dung

TRANG THÔNG TIN VỀ LUẬN ÁN

Tên luận án: “Giải pháp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm khóm góp phần cải thiện thu nhập cho nông hộ nghèo ở tỉnh Tiền Giang”

Chuyên ngành: Kinh tế nông nghiệp                                          Mã số: 62620115

Họ tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Quốc Nghi

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Mai Văn Nam

Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Cần Thơ

1. Tóm tắt nội dung luận án

Mục tiêu chính của luận án nhằm phân tích hoạt động của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị sản phẩm khóm, phân tích giá trị gia tăng và sự phân phối giá trị gia tăng giữa các nhân tác tham gia chuỗi giá trị sản phẩm khóm, đồng thời phát hiện các “điểm nghẽn” cần thiết phải cải thiện để nâng cao giá trị kinh tế của chuỗi, thông qua đó đề xuất giải pháp nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm khóm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông hộ nghèo trồng khóm ở tỉnh Tiền Giang. Dữ liệu của luận án được thu thập từ 335 tác nhân tham gia chuỗi giá trị sản phẩm khóm ở tỉnh Tiền Giang, bao gồm: cửa hàng vật tư nông nghiệp, cơ sở sản xuất giống, nông hộ trồng khóm nghèo và không nghèo, thương lái, vựa khóm, bán buôn, bán lẻ, doanh nghiệp chế biến và các tác nhân hỗ trợ chuỗi. Luận án sử dụng cách tiếp cận “đầu vào” về hiệu quả sản xuất nông nghiệp của Farrell (1957) và “đầu ra” về chuỗi giá trị của Kaplinsky & Morris (2001), phương pháp liên kết chuỗi giá trị của GTZ (2007) và nâng cao thị trường cho người nghèo (ADB, 2007). Thông qua tổng quan tài liệu, các khe hỏng nghiên cứu được phát hiện, đây là cơ sở khoa học quan trọng để xây dựng khung nghiên cứu cho luận án. Phương pháp phân tích màng bao dữ liệu (DEA) được sử dụng để đánh giá hiệu quả sản xuất khóm của hộ nghèo, từ đó xác định những điểm nghẽn trong việc sử dụng nguồn lực đầu vào của hộ nghèo. Bộ công cụ phân tích chuỗi giá trị được sử dụng để phát hoạt sơ đồ chuỗi giá trị, phân tích giá trị gia tăng sản phẩm khóm và sự phân phối giá trị gia tăng giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị. Phương pháp phân tích độ nhạy được sử dụng để đánh giá tác động của giá trị gia tăng, sự phân phối giá trị gia tăng đến thu nhập trong sản xuất khóm của hộ nghèo và hộ không nghèo. Phương pháp phân tích ma trận SWOT và tham vấn chuyên gia được sử dụng để làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất các giải pháp nâng cao GTGT sản phẩm khóm góp phần nâng cao thu nhập cho hộ nghèo ở tỉnh Tiền Giang.

2. Những kết quả mới của luận án:

– Sự lãng phí trong sử dụng các nguồn lực đầu vào của hộ nghèo là rất lớn từ đó dẫn đến hiệu quả phân phối nguồn lực và hiệu quả sử dụng chi phí của hộ nghèo là khá thấp. Tuy khả năng tăng hiệu quả theo qui mô của hộ nghèo trồng khóm vẫn còn khá cao.

– Chuỗi giá trị sản phẩm khóm ở tỉnh Tiền Giang có 5 kênh thị trường chính. Trong 5 kênh này nông hộ bán khóm chủ yếu cho thương lái đường dài. Sản phẩm khóm trái đi từ nông hộ qua các tác nhân và đến tay người tiêu dùng nội địa chiếm 71,29% tổng sản lượng khóm ở tỉnh Tiền Giang. Hầu hết các tác nhân tham gia chuỗi giá trị đều có hiệu quả đầu tư khả quan.

– Nông hộ là tác nhân tạo ra giá trị gia tăng cao nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm khóm, kế đến là tác nhân bán buôn cấp 2 và doanh nghiệp. Ở hầu hết các kênh thị trường chính, nông hộ luôn là tác nhân nhận được sự phân phối giá trị gia tăng thuần cao nhất. Tuy nông hộ là tác nhân có tỷ suất lợi nhuận cao nhất nhưng vì thời gian quay vòng vốn chậm và sản lượng rất ít nên hiệu quả đầu tư đạt được thấp nhất trong chuỗi giá trị.

– Trong tất cả các tiêu chí về giá bán, giá trị gia tăng, giá trị gia tăng thuần, tỷ lệ phân phối giá trị gia tăng và tỷ lệ phân phối giá trị gia tăng thuần trong chuỗi, nhóm hộ không nghèo đều thể hiện tính hiệu quả tốt hơn rất nhiều so với nhóm hộ nghèo.

– Giá trị gia tăng và giá trị gia tăng thuần được tạo ra từ sản phẩm khóm tác động rất lớn đến sự thay đổi thu nhập của hộ nghèo trồng khóm. Tỷ lệ phân phối giá trị gia tăng và giá trị gia tăng thuần ảnh hưởng tích cực đến thu nhập của hộ nghèo trồng khóm ở tỉnh Tiền Giang. Trong đó, mức ảnh hưởng của tỷ lệ phân phối giá trị gia tăng và giá trị gia tăng thuần đến hộ không nghèo cao hơn hộ nghèo trồng khóm.

– Sáu giải pháp được đề xuất nhằm nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm khóm góp phần nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, bao gồm: (i) Cải tạo giống khóm, nâng cao chất lượng giống, đảm bảo phẩm cấp hàng hóa, (ii) Thay đổi phương thức canh tác hợp lý, điều chỉnh các yếu tố nhập lượng để nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, (iii) Nâng cao khả năng tiếp cận thông tin thị trường, tiếp cận các chương trình hỗ trợ phát triển ngành hàng khóm, (iv) Nâng cao khả năng tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, thay đổi tư duy sản xuất, vận dụng các mô hình sản xuất tiên tiến, (v) Thành lập tổ hợp tác tín dụng, nâng cao khả năng hỗ trợ tài lực cho hộ nghèo trồng khóm, (vi) Xây dựng, tổ chức thực hiện tốt mô hình liên kết 4 nhà nhằm ổn định thị trường đầu ra cho hộ nghèo trồng khóm.

– Bảy chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm khóm được đề xuất, bao gồm: (i) Chiến lược tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm, (ii) Chiến lược nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động HTX, (iii) Chiến lược tái cấu trúc hệ thống phân phối, mở rộng thị trường, (iv) Chiến lược đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ khóm, (v) Chiến lược khai thác và nâng cao nguồn lực sản xuất của nông hộ, (vi) Chiến lược nâng cấp kết cấu hạ tầng nông thôn, (vii) Chiến lược nâng cao hệ thống dự báo thị trường và dịch bệnh.

3. Các ứng dụng trong thực tiễn, các vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu:

3.1. Khả năng ứng dụng trong thực tiễn

– Các chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị và giải pháp nâng cao giá trị gia tăng góp phần nâng cao thu nhập cho hộ nghèo trồng khóm là cơ sở khoa học quan trọng đối với lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang. Kế hoạch chương trình hành động nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm khóm là “kim chỉ nam” cho hoạt động hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị sản phẩm khóm của lãnh đạo địa phương.

– Luận án là tài liệu tham khảo hữu ích phục vụ cho quá trình đào tạo các chuyên ngành Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở bậc đại học và sau đại học.

3.2. Vấn đề bỏ ngỏ cần tiếp tục nghiên cứu

Trong phạm vi nghiên cứu, luận án sẽ không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Chính vì thế, một số hướng nghiên cứu tiếp theo được gợi mở từ những hạn chế và kết quả nghiên cứu của luận án như sau: (i) Nghiên cứu khả năng thoát nghèo của nông hộ khi tham gia chuỗi giá trị sản phẩm khóm ở tỉnh Tiền Giang, (ii) Ảnh hưởng của nguồn lực sản xuất đến khả năng thoát nghèo của nông hộ tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm khóm ở tỉnh Tiền Giang, (iii) Tác động của hiệu quả thị trường đến khả năng thoát nghèo của nông hộ tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm khóm ở tỉnh Tiền Giang.

Tải tài liệu

1.

Luận án Giải pháp nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm khóm góp phần cải thiện thu nhập cho nông hộ nghèo ở tỉnh Tiền Giang

.zip
5.84 MB

Có thể bạn quan tâm