THÔNG TIN TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ KINH TẾ
Tên đề tài luận án tiến sĩ: “Giải pháp thúc đẩy hợp tác về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển giữa Việt Nam với một số nước trong khối ASEAN”
Chuyên ngành: Tổ chức và Quản lý vận tải.
Mã số: 9840103
Nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Thu Hà
Người hướng dẫn khoa học:
1. PGS. TS. Đinh Ngọc Viện
2. PGS. TS. Vũ Trụ Phi
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Hàng hải Việt Nam.
1. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án:
Mục đích: Xây dựng giải pháp thúc đẩy hợp tác vận chuyển hàng hóa bằng đường biển giữa Việt Nam với một số nước trong khối ASEAN.
Nhiệm vụ: Để đạt được mục đích trên, luận án đã đặt ra và hoàn thành các nhiệm vụ sau đây:
– Xây dựng cơ sở lí luận khoa học về giải pháp thúc đẩy hợp tác vận chuyển hàng hóa bằng biển giữa Việt Nam với một số nước trong khối ASEAN;
– Đánh giá thực trạng hợp tác vận chuyển hàng hóa bằng biển giữa Việt Nam với một số nước trong khối ASEAN thời gian qua. Từ đó phân tích những thuận lợi và hạn chế trong việc thúc đẩy hợp tác trên lĩnh vực vận tải biển của Việt Nam;
– Xây dựng giải pháp thúc đẩy hợp tác vận chuyển hàng hóa bằng biển giữa Việt Nam với một số nước trong khối ASEAN, bao gồm: Xây dựng và thiết lập các giải pháp thúc đẩy hợp tác về cảng biển, giải pháp thúc đẩy hợp tác về đội tàu biển, giải pháp thúc đẩy hợp tác về nguồn nhân lực hàng hải, giải pháp thúc đẩy hợp tác về ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin trong cảng biển, các giải pháp thúc đẩy hợp tác về cơ chế chính sách. Từ đó nhận định xu hướng tất yếu của sự phát triển ngành vận tải biển trên phạm vi khu vực ASEAN và thế giới có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động vận tải biển của Việt Nam trong quá trình hợp tác, hội nhập. Mặt khác cung cấp những kiến nghị, kết luận nhằm thúc đẩy sự phát triển hợp tác về vận chuyển hàng hóa bằng biển của Việt Nam đạt hiệu quả cao hơn.
2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án:
Đối tượng nghiên cứu: Luận án có đối tượng nghiên cứu là giải pháp thúc đẩy hợp tác vận chuyển hàng hóa bằng biển của Việt Nam.
Phạm vi nghiên cứu: Phạm vi nghiên cứu của đề tài luận án là xây dựng và thiết lập các giải pháp thúc đẩy hợp tác vận chuyển hàng hóa bằng biển giữa Việt Nam với một số nước ASEAN đến năm 2030 phù hợp với thực tế phát triển của đất nước.
3. Phương pháp nghiên cứu của luận án:
Để giải quyết thành công các nhiệm vụ trong mục đích nghiên cứu, luận án đã sử dụng một số phương pháp sau:
– Phương pháp điều tra thống kê, phương pháp chuyên gia, phương pháp dự báo, phương pháp mô hình hóa, phương pháp tổng hợp và phân tích, đối chiếu và so sánh, phương pháp phân tích tư duy logic, phương pháp duy vật lịch sử, duy vật biện chứng, …. góp phần phân tích, đánh giá về cơ sở lý luận, cơ sở phương pháp luận và thực trạng của việc thúc đẩy hợp tác vận chuyển hàng hóa bằng đường biển trong nước vớimột số quốc gia của khối;
– Phương pháp hệ thống hóa, phương pháp đánh giá và luận giải, phương pháp phân tích chuyên gia kết hợp phương pháp dự báo để xây dựng các giải pháp thúc đẩy phát triển có lợi cho tình hình hội nhập kinh tế của đất nước;
– Phương pháp tổng kết so sánh, phương pháp diễn giải và quy nạp để nghiên cứu, trình bày các vấn đề thực tiễn và lý luận về các quan điểm, cơ chế chính sách của Nhà nước đối với nền kinh tế thị trường nhằm làm sáng tỏ những vấn đề cần nghiên cứu.
4. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án:
Ý nghĩa khoa học:
– Đề tài nghiên cứu của luận án góp phần hệ thống hóa khoa học, đồng thời, xây dựng một phần cơ sở lý luận, phương pháp luận về việc hợp tác trong lĩnh vực ngành hàng hải giữa quốc gia Việt Nam với một số nước trong khối ASEAN gồm có: xây dựng các khái niệm, vai trò, nhiệm vụ, nguyên tắc của việc thúc đẩy hợp tác về vận tải biển;
– Đưa ra những căn cứ cơ sở pháp lý, tính tất yếu, tính lịch sử của việc hợp tác giữa các quốc gia với nhau, từ đó xây dựng giải pháp thúc đẩy hợp tác phát triển về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển của Việt Nam, đảm bảo phù hợp nhất với điều kiện thực tế phát triển của đất nước trong thời kỳ đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay và giai đoạn 2020-2030.
– Kết quả nghiên cứu của luận án có những đóng góp nhất định cho khoa học chuyên ngành, đối với công tác tổ chức thực hiện và quản lý vĩ mô về vấn đề thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực vận tải biển giúp cho các ban, ngành quản lý nhà nước, các công ty, các doanh nghiệp vận tải biển, tổ chức, phối hợp thực hiện trong ngành hàng hải mang lại hiệu quả thiết thực.
Ý nghĩa thực tiễn:
– Các kết quả nghiên cứu của đề tài luận án đã hoàn thiện cơ bản về phương pháp luận của việc xây dựng các giải pháp thúc đẩy phát triển hợp tác trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa bằng đường biển giữa Việt Nam với một số nước trong khu vực ASEAN;
– Phân tích tổng hợp, đánh giá thực trạng tình hình hợp tác trong giao thông vận tải, đặc biệt về lĩnh vực thúc đẩy hợp tác vận chuyển hàng hóa bằng đường biển giữa Việt Nam với một số quốc gia trong khối ASEAN(như tình hình xuất khẩu gạo trong nhiều năm qua của Việt Nam sang các nước Indonesia, Malaysia; tình hình nhập khẩu một số mặt hàng linh kiện điện tử, phân bón hóa học của Thái Lan, Ấn Độ, Singapore…)
– Nghiên cứu đề xuất 5 giải pháp thúc đẩy hợp tác về vận chuyển hàng hóa bằng đường biển giữa việt Nam với một số nước ASEAN. Phân tích, tổng hợp và đánh giá từng giải pháp thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực trong thời gian qua và giả định đến năm 2030, xu hướng phù hợp với lợi ích chung của hai bên hợp tác, giải quyết hiệu quả vấn đề kinh tế, việc làm, an sinh xã hội, an ninh quốc gia…
– Do đó, tùy theo mục đích nghiên cứu, đặc điểm, lợi thế về vị trí địa lý, tiềm năng của mỗi quốc gia, trong đó là các chủ thể, chuyên gia, doanh nghiệp, công ty trong lĩnh vực vận tải biển… có thể tham khảo, xem xét từng nhóm giải pháp thúc đẩy hợp tác vận chuyển hàng hóa bằng đường biển sao cho thích hợp để thỏa thuận, ký kết hợp đồng liên kết nhằm mang lại lợi ích lớn cho các bên khi tham gia hợp tác.
5. Những điểm đóng góp mới của luận án:
– Xây dựng, hoàn thiện một phần cơ sở lý luận chung về tình hình thúc đẩy hợp tác vận chuyển hàng hóa bằng đường biển giữa Việt Nam với các nước trong khối ASEAN thông qua quá trình tổng hợp, phân tích, đánh giá tổng quan 50 năm hình thành phát triển của ASEAN. Cụ thể là: Cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động, cơ sở pháp lý và các nguyên tắc hoạt động, khái niệm về hợp tác phát triển vận tải biển, đặc điểm về tình hình hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải, đặc biệt là lĩnh vực hợp tác trong việc xuất, nhập khẩu hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của các quốc gia trong khối, đồng thời phân tích những nội dung đã và đang hợp tác, cơ hội và thách thức trong thời gian tiếp theo giữa Việt Nam với các nước trong khối ASEAN, thông qua các hiệp định, công ước Việt Nam đã ký kết hợp tác.
– Kết quả nghiên cứu của đề tài luận án đã phân tích, đánh giá và thiết lập các giải pháp chủ yếu nhất nhằm phát huy lợi thế tiềm năng, thúc đẩy phát triển hợp tác trong lĩnh vực vận tải biển quốc tế giữa Việt Nam với các nước trong khối ASEAN. Trong đó, bao gồm các nội dung về hoạt động dịch vụ vận tải biển, thúc đẩy hợp tác trong việc phát triển nguồn nhân lực hàng hải, giải pháp thúc đẩy hợp tác trong việc thiết kế phần mềm quản lý ngành vận tải biển, đề xuất giải pháp thúc đẩy hợp tác về cơ chế chính sách theo luật, Bộ luật Hàng hải Việt Nam đối với ngành vận tải biển.
6. Kết cấu của luận án
– Kết cấu của luận án gồm các phần thứ tự sau: Mở đầu; Nội dung (gồm 3 chương); Kết luận và kiến nghị; Danh mục các công trình khoa học đã công bố liên quan đến đề tài luận án; Tài liệu tham khảo.