THÔNG TIN VỀ NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI VỀ MẶT HỌC THUẬT, LÝ LUẬN CỦA LUẬN ÁN
Tên luận án: “Giáo dục kỹ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi qua trải nghiệm”
Chuyên ngành: Lý luận và Lịch sử giáo dục
Mã số: 09.14.01.02
Nghiên cứu sinh: Nguyễn Thị Thu Hạnh
Chức danh khoa học, học vị, tên người hướng dẫn:
Hướng dẫn 1: PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh
Hướng dẫn 2: TS. Trần Thị Tố Oanh
Cơ sở đào tạo: Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận, những điểm mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án
Đóng góp về mặt học thuật, lí luận
Luận án là một công trình khoa học chuyên sâu, có hệ thống về giáo dục kỹ năng xã hội cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi qua trải nghiệm, kết quả nghiên cứu có những điểm như sau:
Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần làm phong phú thêm lí luận về giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ như: bản chất, phân loại, phương pháp, hình thức, quy trình giáo dục kĩ năng xã hội qua trải nghiệm cho trẻ 5 – 6 tuổi. Đặc biệt đưa ra được các kĩ năng xã hội cơ bản cần giáo dục cho trẻ 5 – 6 tuổi bao gồm 3 nhóm và 10 kĩ năng thành phần.
Kết quả nghiên cứu thực tiễn của luận án đánh giá được thực trạng giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ 5 – 6 tuổi qua trải nghiệm ở các trường mầm non và mức độ kĩ năng xã hội của trẻ hiện nay. Là cơ sở để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ hiện nay.
Kết luận chính và đề xuất rút ra từ kết quả nghiên cứu
1.1. Kĩ năng xã hội là các kĩ năng giúp cá nhân nhận thức, ứng xử, giao tiếp và thích ứng thành công trong xã hội. Kĩ năng xã hội cần được giáo dục cho trẻ 5 – 6 tuổi nhằm chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng thích nghi với môi trường mới – môi trường học tập ở cấp tiểu học. Trẻ 5 – 6 tuổi cần giáo dục 10 kĩ năng cơ bản: 1/ Nhận biết các quy tắc xã hội và quy tắc giao tiếp xã hội, 2/ Nhận diện, phát hiện vấn đề cần giải quyết; 3/ Nhận xét đánh giá; 4/ Trẻ biết thể hiện cảm xúc của bản thân phù hợp với quy tắc xã hội; 5/ Biết cách thể hiện lòng biết ơn; 6/ Giao tiếp có văn hóa; 7/ Kĩ năng thích nghi với hoàn cảnh mới; 8/ Kiểm soát cảm xúc khi thay đổi môi trường xã hội; 9/ Kĩ năng giải quyết xung đột; 10/ Hợp tác với mọi người.
1.2. Giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ chỉ hiệu quả khi nhà giáo dục tạo ra cơ hội, thách thức để trẻ suy ngẫm, tích cực tìm tòi khám phá, tích cực thể hiện thái độ, hành vi cụ thể để giải quyết các vấn đề. Đó chính là phương thức giáo dục qua trải nghiệm. Đó là quá trình tác động có mục đích có kế hoạch của giáo viên tạo cơ hội cho trẻ tham gia cả về mặt trí tuệ, tình cảm, xã hội và thể chất để trẻ tích cực thử nghiệm, khám phá, suy ngẫm và phản hồi nhằm giúp trẻ nhận thức, ứng xử, giao tiếp và thích ứng thành công trong xã hội trên cơ sở nắm vững phương thức thực hiện, sự vận dụng tri thức kinh nghiệm phù hợp.
1.3. Kết quả khảo sát thực trạng cho thấy kĩ năng xã hội của trẻ hiện nay ở mức độ thấp. Hầu hết kĩ năng xã hội còn thiếu và yếu. Nguyên nhân chính là do nhà trường chưa chú trọng vào hoạt động giáo dục kĩ năng xã hội cho trẻ và tổ chức giáo dục thông qua trải nghiệm, giáo viên chưa nắm được các kĩ năng xã hội cơ bản của trẻ 5 – 6 tuổi, chưa biết thiết kế nội dung giáo dục kĩ năng xã hội, chưa nắm được các phương pháp tổ chức theo đúng quy trình giáo dục qua trải nghiệm, chưa có sự phối hợp với phụ huynh để cùng rèn luyện kĩ năng xã hội cho trẻ.
1.4. Thực nghiệm sư phạm đã chứng minh được tính đúng đắn và khả thi của quy trình giáo dục kĩ năng xã hội qua trải nghiệm mà luận án đã đề xuất bao gồm 4 bước: 1/Trải nghiệm thực tế kĩ năng xã hội; 2/Suy ngẫm và chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về tế kĩ năng xã hội; 3/Rút ra bài học đúng về mẫu tế kĩ năng xã hội; 4/Thử nghiệm, áp dụng mẫu tế kĩ năng xã hội trong các tình huống khác nhau. Quy trình trải nghiệm được thiết kế chặt chẽ và phù hợp với các điều kiện ở các trường mầm non hiện nay.