THÔNG TIN TÓM TẮT NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN TIẾN SĨ
Tên luận án: Nghiên cứu ảnh hưởng của cốt liệu thô tạo khung đến sự phát triển biến dạng không hồi phục của bê tông nhựa nóng trong điều kiện Việt Nam.
Ngành : Kỹ thuật Xây dựng Công trình Giao thông
Mã số : 9580205
Chuyên ngành : Xây dựng Đường ô tô và đường thành phố
Họ và tên nghiên cứu sinh: Đỗ Vương Vinh
Họ và tên cán bộ hướng dẫn:
PGS.TS Trần Thị Kim Đăng Trường Đại học Giao thông vận tải
PGS.TS Nguyễn Hữu Trí Viện KH&CN GTVT
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Giao thông Vận tải.
Tóm tắt những đóng góp mới của luận án:
1. Đã đưa khái niệm “hàm lượng cốt liệu thô tạo khung” vào nghiên cứu. Thông qua nghiên cứu thực nghiệm đã khẳng định mối liên hệ giữa chỉ tiêu này với đặc tính biến dạng không hồi phục của hỗn hợp bê tông nhựa.
2. Đã nghiên cứu và ứng dụng phương pháp Bailey trong thiết kế cấp phối cốt liệu bê tông nhựa. Thông qua nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh hỗn hợp có thành phần cốt liệu được phối trộn theo phương pháp Bailey cho chiều sâu lún vệt bánh xe ở 20.000 lượt nhỏ nhất, độ cứng từ biến lớn nhất, biến dạng tổng, biến dạng không hồi phục và độ dốc từ biến nhỏ nhất.
3. Đã thiết lập các tương quan thực nghiệm giữa các chỉ tiêu chiều sâu lún vệt bánh xe, độ cứng từ biến, biến dạng tổng, biến dạng không phục hồi, độ dốc từ biến của các hỗn hợp BTN 12,5 với hàm lượng cốt liệu tạo khung. Các tương quan này có dạng hàm số bậc hai với hệ số xác định cao thể hiện tương quan chặt chẽ, cho thấy tồn tại một khoảng hàm lượng cốt liệu thô tạo khung cho khả năng kháng biến dạng không hồi phục tốt nhất. Với kết quả nghiên cứu bước đầu này, có thể thấy hàm lượng cốt liệu tạo khung (d≥2.36mm) của hỗn hợp BTNC 12,5mm cho khả năng kháng biến dạng không hồi phục tốt nhất nằm trong khoảng từ 60% đến 70%.
4. Đã nghiên cứu và áp dụng phương pháp phân tích ảnh sử dụng phần mềm IPAS-2 để phân tích mặt cắt mẫu bê tông nhựa, xác định các chỉ tiêu gồm chỉ số cấu trúc ISI, số tiếp xúc, chiều dài tiếp xúc. Thông qua nghiên cứu thực nghiệm chứng minh được mối liên hệ giữa các chỉ tiêu này với hàm lượng cốt liệu thô tạo khung và mối liên hệ giữa các chúng với đặc tính biến dạng không hồi phục của bê tông nhựa. Các kết quả nghiên cứu phân tích ảnh cho thấy hỗn hợp có thành phần cốt liệu thiết kế theo phương pháp Bailey có các chỉ tiêu cấu trúc cốt liệu cao nhất. Kết quả này khẳng định ưu điểm của phương pháp này trong việc thiết kế hỗn hợp có khung cốt liệu chịu lực tốt.
5. Đã thiết lập tương quan giữa các chỉ tiêu cấu trúc cốt liệu với các chỉ tiêu cơ học thể hiện khả năng chống biến dạng không hồi phục của các hỗn hợp BTN. Kết quả cho thấy mối quan hệ tuyến tính khá chặt chẽ giữa chúng. Khi chỉ số cấu trúc ISI, số tiếp xúc, chiều dài tiếp xúc tăng thì chiều sâu lún vệt bánh xe có xu hướng giảm, độ cứng từ biến có xu hướng tăng, biến dạng tổng và biến dạng không hồi phục có xu hướng giảm.
6. Đã xây dựng mối quan hệ thực nghiệm giữa các chỉ tiêu cấu trúc cốt liệu có được từ phân tích ảnh với hàm lượng cốt liệu thô tạo khung. Các tương quan có dạng hàm bậc 2 với hệ số xác định cao thể hiện tương quan chặt chẽ, cho thấy tồn tại một khoảng hàm lượng cốt liệu thô tạo khung cho các chỉ tiêu cấu trúc cốt liệu cao nhất. Với kết quả nghiên cứu bước đầu này, có thể thấy hàm lượng cốt liệu tạo khung (d≥2.36mm) của hỗn hợp BTNC 12,5mm cho các chỉ tiêu cấu trúc cốt liệu tốt nhất cũng nằm trong khoảng từ 60% đến 70%.