BẢN THÔNG TIN LUẬN ÁN TIẾN SĨ
A. GIỚI THIỆU TÓM TẮT
– Tên tác giả: Hồ Khắc Minh
– Tên luận án: Nghiên cứu biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất và hiệu quả sản xuất lạc trên đất cát biển tỉnh Quảng Bình.
– Chuyên ngành: Trồng trọt. Mã số: 62.62.01.01.
– Người hướng dẫn:
1. PGS.TS. Nguyễn Minh Hiếu. 2. TS. Lê Thanh Bồn.
– Tên cơ sở đào tạo : Đại học Huế.
B. NỘI DUNG
1. Mục đích, đối tượng và phạm vi nghiên cứu
1.1. Mục đích:
Xác định các biện pháp kỹ thuật tổng hợp nhằm tăng năng suất và hiệu quả sản xuất lạc trên đất cát biển tỉnh Quảng Bình.
1.2. Đối tượng:
Cây lạc trồng trên đất cát biển tỉnh Quảng Bình.
1.3. Phạm vi giới hạn:
– Đề tài chỉ tập trung nghiên cứu một số giải pháp kỹ thuật trồng trọt để làm cơ sở xây dựng quy trình sản xuất lạc mới, bảo đảm tăng năng suất, hiệu quả kinh tế và bền vững trên đất cát biển tỉnh Quảng Bình.
– Sản xuất lạc trên đất cát biển tỉnh Quảng Bình không chủ động nước tưới nên chủ yếu chỉ sản xuất vụ đông xuân. Do vậy, đề tài chỉ nghiên cứu trong vụ đông xuân với điều kiện dựa vào nước trời.
2. Các phương pháp nghiên cứu đã sử dụng
2.1. Phương pháp điều tra, khảo sát:
Điều tra thu thập, phân tích số liệu tổng hợp từ các tài liệu sơ cấp và thứ cấp liên quan đến luận án để xác định các yếu tố hạn chế năng suất và hiệu quả sản xuất lạc trên đất cát biển tỉnh Quảng Bình.
2.2. Phương pháp nghiên cứu thực nghiệm:
Thực hiện các thí nghiệm đồng ruộng để xác định các biện pháp kỹ thuật cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất lạc trên đất cát biển tỉnh Quảng Bình.
3. Các kết quả chính và kết luận
3.1. Ý nghĩa khoa học:
– Kết quả đề tài góp phần làm luận cứ khoa học cho việc quản lý, khai thác và sử dụng hợp lý vùng đất cát biển tỉnh Quảng Bình trong phát triển sản xuất nông nghiệp nói chung và phát triển sản xuất lạc nói riêng theo hướng hiệu quả và bền vững.
– Đồng thời, kết quả nghiên cứu là cơ sở khoa học để các nhà quản lý xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất lạc trên đất cát biển của tỉnh sát, đúng hơn.
3.2. Ý nghĩa thực tiễn:
– Kết quả của đề tài áp dụng vào sản xuất sẽ khắc phục cơ bản các yếu tố hạn chế năng suất bằng giải pháp kỹ thuật tổng hợp góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trong sản xuất lạc trên vùng đất cát biển tỉnh Quảng Bình.
– Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần từng bước cải tạo đất, hướng đến sản xuất bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân vùng cát ven biển của tỉnh Quảng Bình.
3.3. Những điểm mới của luận án:
– Kết quả điều tra của luận án đã đánh giá được những thuận lợi, khó khăn ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả sản xuất lạc trên đất cát biển tỉnh Quảng Bình.
– Xác định được tổ hợp phân bón cân đối, hợp lý giữa vô cơ với hữu cơ cho lạc trồng trên đất cát biển tỉnh Quảng Bình vừa tăng năng suất và hiệu quả kinh tế là: 40 kg N + 120 kg P2O5 + 80 kg K2O/ha + 500 kg vôi/ha + 10 tấn phân chuồng/ha cho năng suất quả đạt 3,1 – 3,113 tấn/ha, lãi ròng đạt 25,38 – 29,18 triệu đồng/ha, tỷ suất lãi so với vốn đầu tư đạt 0,51 – 0,53; hoặc có thế thay phân chuồng bằng phân hữu cơ vi sinh với lượng 0,6 tấn/ha cũng bảo đảm cho năng suất quả đạt 2,628 – 2,68 tấn/ha, lãi ròng đạt 19,39 – 25,91 triệu đồng/ha, tỷ suất lãi so với vốn đầu tư (RR) đạt 0,42 – 0,5.
– Xác định được khung thời vụ gieo trồng lạc thích hợp nhất cho vùng đất cát biển tỉnh Quảng Bình trong vụ đông xuân là từ ngày 04/01 đến ngày 03/02. Trong khung thời vụ này sản xuất lạc cho năng suất thực thu đạt 1,81 – 2,178 tấn/ha và bảo đảm thu được hiệu quả kinh tế.
– Xác định được việc áp dụng biện pháp phủ đất trong sản xuất lạc vừa tăng năng suất và hiệu quả kinh tế vừa cải thiện nhiều tính chất lý, hóa của đất. Phủ đất cho năng suất quả tăng 0,395 – 0,482 tấn/ha, lãi ròng tăng 7,966 – 10,01 triệu đồng/ha, chỉ số RR tăng 0,14 – 0,17 so với không phủ đất. So sánh hai loại vật liệu thì phủ đất bằng rơm phù hợp hơn vì vừa giảm được chi phí sản xuất do tận dụng được nguồn rơm sẳn có vừa cải thiện độ phì cho đất.
– Mô hình thực nghiệm bằng việc áp dụng đồng thời các biện pháp kỹ thuật của đề tài xác định được đã cho kết quả vượt trội về năng suất và hiệu quả kinh tế so với quy trình sản xuất hiện tại. Năng suất tăng 59 – 79% (từ 2,95 tấn/ha tăng lên 3,335 – 3,743 tấn/ha) và lãi ròng từ 8,19 triệu đồng/ha tăng lên 38,83 – 46,89 triệu đồng/ha và chỉ số RR từ 0,17 tăng lên 0,76 – 0,87.