Tên luận án: Nghiên cứu đánh giá trình độ tập luyện cho nữ vận động viên bóng trẻ 16-18 tuổi các tỉnh khu vực phía Nam sau 2 năm tập luyện.
Ngành: Giáo dục học
Mã số: 9140101
Nghiên cứu sinh: Phạm Trung Hiệp
Cán bộ hướng dẫn khoa học: 1. TS. Lê Hồng Sơn
2. PGS.TS Nguyễn Thiệt Tình
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh
Những đóng góp mới của luận án
1. Luận án đã xây dựng hệ thống các chỉ số và test đánh giá trình độ tập luyện của nữ vận động viên bóng bàn trẻ 16-18 tuổi theo quy trình 5 bước (hệ thống hóa các chỉ số và test đã được sử dụng, sơ lược lựa chọn theo kinh nghiệm, phỏng vấn, kiểm nghiệm độ tin cậy và tính khách quan, cuối cùng là kiểm nghiệm tính thông báo của test) và đã xác định được hệ thống 31 chỉ số và test dùng để đánh giá trình độ tập luyện cho nữ VĐV bóng bàn trẻ 16-18 tuổi đảm bảo có cơ sở khoa học, tính logic, tính khách quan, độ tin cậy và tính thông báo của test gồm: 02 chỉ số hình thái; 04 chỉ số chức năng; 03 test tâm lý; 09 test thể lực; 08 test kỹ thuật và 5 test chiến thuật.
2. Luận án đã ứng dụng các chỉ số và test được xác định ở trên để đánh giá sự phát triển tđtl cho nữ vđv bóng bàn trẻ 16-18 tuổi các tỉnh phía Nam qua 2 năm tập luyện cho thấy, xu hướng tăng trưởng về thành tích các yếu tố cấu thành TĐTL của nữ VĐV bóng bàn trẻ 16-18 tuổi có sự phát triển đều qua từng năm là phù hợp với quy luật phát triển lứa tuổi và quy luật của huấn luyện thể thao, cụ thể như sau:
– Về hình thái: Qua 2 năm tập luyện các thông số của 2 chỉ số hình thái nữ VĐV bóng bàn trẻ 16-18 tuổi có sự tăng lên đáng kể và có sự khác biệt mang ý nghĩa thống kê ở ngưỡng xác suất p≤0.05 ở hầu hết các thông số đều có ttính>t0.05. Điều này, hoàn toàn phù hợp với quy luật của quá trình phát triển hình thái của các VĐV bóng bàn trẻ.
– Về chức năng sinh lý, tâm lý: Cả 4/4 chỉ số chức năng sinh lý và 3/3 test tâm lý của nữ VĐV bóng bàn trẻ đều tăng lên đáng kể qua từng năm và có sự khác biệt rõ rệt mang ý nghĩa thống kê ở ngưỡng xác suất p≤0.05, vì đều có ttính>t0.05= 2.131.
– Về thể lực và kỹ – chiến thuật: Qua 2 năm tập luyện cả 09/09 test thể lực, 08/8 test kỹ thuật của nữ VĐV bóng bàn trẻ đều tăng trưởng đáng kể qua từng năm và có sự khác biệt rõ rệt mang ý nghĩa thống kê ở ngưỡng xác suất p≤0.05.
Riêng 5/5 test chiến thuật của nữ VĐV bóng bàn trẻ có sự tăng lên đáng kể và có sự khác biệt rõ rệt mang ý nghĩa thống kê ở ngưỡng xác suất p≤0.001, vì có ttính > t0.001 = 4.073.
3. Luận án đã xây dựng được bảng điểm tiêu chuẩn các chỉ số và test (hình thái, chức năng, tâm lý, thể lực, kỹ thuật-chiến thuật) theo thang điểm 10. Đồng thời còn xây dựng được bảng phân loại từng chỉ tiêu và tổng hợp các chỉ tiêu của từng yếu tố cấu thành đánh giá TĐTL để ứng dụng kiểm nghiệm đánh giá TĐTL cho nữ VĐV bóng bàn 16-18 tuổi trong thực tiễn qua 2 năm tập luyện.
– Kết quả nghiên cứu còn xác định được mối tương quan có tính đến tỷ trọng ảnh hưởng giữa thành tích thi đấu với từng yếu tố cấu thành trình độ tập luyện (Hình thái; Chức năng sinh lý; Tâm lý; Thể lực; Kỹ-chiến thuật), làm cơ sở để xây dựng phương trình hồi quy bậc nhất nhằm mục đích dự báo thành tích cho nữ VĐV bóng bàn trẻ 16-18 tuổi, cụ thể là:
Y=-0.141X1 – 0.254X2 – 0.105X3 -0.149X4 +0.068X5 – 1.240X6
Với: X1: giá trị về hình thái; X2: giá trị về chức năng; X3: giá trị về tâm lý; X4: giá trị về thể lực; X5: giá trị về kỹ thuật; X6: giá trị về chiến thuật.
Kết quả nghiên cứu trên chính là những đóng góp mới của luận án, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn đóng góp vào khoa học chuyên ngành. Các kết quả mới của luận án có giá trị khoa học và phù hợp với thực tiễn có thể ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện cho nữ VĐV bóng bàn trẻ 16-18 tuổi tại Việt Nam hiện nay.