TRÍCH YẾU LUẬN ÁN TIẾN SĨ CỦA NCS PHẠM THANH TÂM
Tên tác giả: Phạm Thanh Tâm
Tên luận án: Nghiên cứu đề xuất sử dụng đất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Đắk Lắk.
Ngành: Quản lý đất đai; Mã số: 9.85.01.03
Người hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. Lê Văn Thơ
2. PGS.TS. Trần Xuân Biên
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên
Mục tiêu nghiên cứu:
Đánh giá thực trạng sử dụng đất nông nghiệp và những tác động của biến đổi khí hậu tới sử dụng đất nông nghiệp tại tỉnh Đắk Lắk; Đánh giá tiềm năng sử dụng đất nông nghiệp và đề xuất một số giải pháp sử dụng đất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Đắk Lắk.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng phương pháp điều tra thu thập số liệu, phân vùng và chọn điểm nghiên cứu làm cơ sở cho việc đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội và môi trường của các LUT.
Nghiên cứu sử dụng phương pháp đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội và môi trường, áp dụng hướng dẫn đánh giá hiệu quả các loại sử dụng đất theo theo tiêu chuẩn 8409:2012 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phương pháp xây dựng bản đồ; Phương pháp lựa chọn và phát triển mô hình; Phương pháp lấy mẫu và phân tích đất; Phương pháp đánh giá đất đai; Phương pháp chuyên gia và Phương pháp thống kê và xử lý số liệu.
Kết quả chính và kết luận
1) Đắk Lắk nằm ở trung tâm cao nguyên Trung bộ với diện tích tự nhiên là: 13.034,95 km2, dân số hơn 1,83 triệu người gồm 47 dân tộc. Thành phố Buôn Ma Thuột là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh và cả vùng Tây Nguyên. Đắk Lắk có lợi thế phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao như: cà phê, cao su, điều, hồ tiêu và cây ăn quả. Song những năm gần đây biến đổi khí hậu (BĐKH) đã làm tăng tần số, cường độ, tính biến động và tính cực đoan của các hiện tượng thời tiết tiêu cực khiến gia tăng rủi ro đối với sản xuất nông nghiệp. Nền nhiệt có xu hướng tăng cao, khô hạn xảy ra nhiều hơn và kéo dài, xen lẫn có những đợt lũ quét, sạt lở đất… gây thiệt hại lớn đối với đời sống dân sinh, thách thức mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
2) Đắk Lắk có diện tích đất nông nghiệp là 1.189.057 ha (chiếm 90,97% tổng diện tích tự nhiên). Trong đó, đất sản xuất nông nghiệp là 655.818 ha (chiếm 50,18% tổng diện tích tự nhiên), đất lâm nghiệp 528.306 ha (chiếm 40,42% tổng diện tích tự nhiên) và nuôi trồng thuỷ sản 4.933 ha (0,38% tổng diện tích tự nhiên, cao hơn vùng 0,15%). Đất phi nông nghiệp 96.302,73 ha (7,37% tổng diện tích tự nhiên) và còn 21.681 ha đất chưa sử dụng (chiếm 1,66% tổng diện tích tự nhiên). Trong giai đoạn 2017 – 2022, diện tích thuộc nhóm đất nông nghiệp tăng 28.730 ha. Sử dụng đất nông nghiệp bị tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng như khu vực Tây Nguyên nói chung. Sự gia tăng lượng mưa, xuất hiện các trận mưa lớn, tăng nhiệt độ, số ngày nắng nóng kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng, nhất là cây hàng năm cũng như rau màu hoặc ảnh hưởng gián tiếp đến sử dụng đất như xói mòn đất, khô hạn, lũ quét, suy giảm độ phì, gia tăng kết von đá ong trong đất. Nghiên cứu đã xác định 4 loại sử dụng đất, từ kết quả điều tra khảo sát đã đánh giá được hiệu quả sử dụng đất của các loại sử dụng đất theo 3 tiêu chí về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.
3) Kết quả khảo sát, phân tích thống kê những tác động của BĐKH tới sử dụng đất tại tỉnh Đắk Lắk cho thấy mức độ xói mòn mạnh là 6.370 ha (chiếm 0,5%) tập trung ở một số huyện có địa hình cao là: Ea Súp, M’Đrắk, Krông Bông, Lắk; mức độ xói mòn trung bình là 31.375 ha (chiếm 2,6%) tập trung ở một số huyện là M’Đrắk, Krông Bông, Ea H’leo, Ea Súp; mức độ xói mòn nhẹ là 148.240 ha (chiếm 12,5%) tập trung ở một số huyện là Ea H’leo, Ea Súp, M’Đrắk, Krông Bông, Krông Búk, Krông Năng. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp hiện đang bị khô hạn khoảng 549.594 ha; đất lâm nghiệp bị khô hạn khoảng 512.760 ha. Diện tích đất nông nghiệp suy giảm độ phì ở mức nhẹ là 154.765 ha, diện tích đất nông nghiệp bị suy giảm độ phì mức độ trung bình là 443.233 và diện tích đất bị suy giảm độ phì ở mức nặng là 363.115 ha; tổng cộng là 961.113 ha. Từ kết quả xây dựng Bản đồ đất bị kết von, đá ong hóa, xác định được trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk xuất hiện cả 3 mức độ kết von nặng, nhẹ, trung bình với diện tích 9.960 ha đất bị kết von và có 1.179.097 ha đất không bị kết von.
4) Nghiên cứu đã sử dụng phần mềm ArcGIS để xây dựng 6 bản đồ đơn tính cho 6 chỉ tiêu phân cấp gồm: loại đất, độ dốc, thành phần cơ giới, độ dày tầng đất, lượng mưa và chế độ tưới. Bản đồ đơn vị đất đai được xây dựng trên cơ sở chồng xếp 6 bản đồ đơn tính. Kết quả cho thấy khu vực nghiên cứu có 146 đơn vị đất đai với 2.041 khoanh đất. Từ đó, xác định được tiềm năng đất nông nghiệp theo các mức độ thích hợp đối với các loại sử dụng đất tại tỉnh Đắk Lắk. Nghiên cứu đã theo dõi 3 mô hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Đó là các mô hình: Mô hình trồng Sầu riêng; Mô hình trồng Cà phê; Mô hình trồng lúa. Kết quả theo dõi được đánh giá trên 3 tiêu chí: Hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và hiệu quả môi trường.
5)Trên cơ sở nghiên cứu định hướng phát triển nông nghiệp theo đề án tái cơ cấu nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk đến 2020 và tầm nhìn 2030 do UBND tỉnh Đắk Lắk công bố; phân tích cơ cấu sử dụng đất hiện trạng; kết quả đánh giá tiềm năng thổ nhưỡng, khí hậu, địa hình và phân tích hiệu quả kinh tế các loại hình sử dụng đất chính của tỉnh Đắk Lắk, nghiên cứu đã lựa chọn cơ cấu cây trồng chính cho phát triển nông nghiệp là cây lúa, cây rau màu, cây lâu năm và cây ăn quả. Trên cơ sở những hạn chế, tồn tại trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp nghiên cứu đã đưa ra được một số các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu như giải pháp về khô hạn, xói mòn…