Tên luận án: “Nghiên cứu giám sát huấn luyện thể lực trong thời kỳ chuẩn bị cho vận động viên Futsal Thái Sơn Nam”
Ngành: Giáo dục học
Mã số: 9140101
Họ tên NCS: NGUYỄN HỮU HOÀNG PHÚC
Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS Lý Vĩnh Trường
TS Phạm Tuấn Hùng
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh
Những kết luận mới của luận án
1. Về mặt lý luận:
Thứ nhất, luận án đã hệ thống hóa cơ bản những vấn đề lý luận về giám sát huấn luyện thể thao đặc biệt là giám sát huấn luyện thể lực. Mục tiêu và nhiệm vụ của giám sát HLTT là công tác theo dõi, kiểm tra, đánh giá liên tục đối với quá trình huấn luyện, đồng thời đưa ra thông tin điều chỉnh, kiểm soát kịp thời đối với kế hoạch huấn luyện, giảm nguy cơ chấn thương ở các VĐV, ngăn ngừa hoạt động kém hiệu quả cũng như các vấn đề nghiêm trọng hơn như hội chứng tập luyện quá mức hoặc LVĐ quá cao phi chức năng…nhằm bảo đảm chất lượng trong công tác huấn luyện.
Thứ hai, luận án đã tổng hợp các nghiên cứu về công tác giám sát HLTT qua đó xác định tính hợp lệ, độ tin cậy cao cũng như tính nhất quán của một số phương pháp và công cụ trong quá trình giám sát HLTT ở các môn thể thao khác nhau đặc biệt là môn Futsal. Một trong số phương pháp này có thể được sử dụng như phương pháp chuyên biệt (định tính và định lượng) cho mục đích giám sát LVĐ cũng như hiệu quả huấn luyện.
2. Về mặt thực tiễn:
Thứ nhất, luận án đã xác định được thực trạng công tác giám sát huấn luyện thể lực cho VĐV Futsal tại Việt Nam. Xác định được các nội dung tồn tại và nguyên nhân dẫn đến các hạn chế của công tác giám sát huấn luyện thể lực cho VĐV Futsal tại Việt Nam.
Thứ hai, luận án đã lựa được 21 tiêu chí đo lường để tiến hành giám sát huấn luyện thể lực trong thời kỳ chuẩn bị cho VĐV Futsal TSN mang tính đặc thù cao của môn Futsal. Các tiêu chí được phân bố cụ thể phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của từng giai đoạn trong thời kỳ chuẩn bị của đội Futsal TSN.
Thứ 3, luận án đã đánh giá được kết quả giám sát huấn luyện thể lực trong thời kỳ chuẩn bị cho VĐV Futsal TSN về khối lượng cũng như cường độ huấn luyện giữa các tuần cũng như các giai đoạn. Về chỉ số hồi phục thông qua thang đo REST Q–Sports cho thấy các VĐV Futsal TSN không cho thấy sự tích tụ mệt mỏi lớn sau giai đoạn chuẩn bị chuyên môn, các thang đo hồi phục cũng có sự dao động tương đối nhỏ ở mức độ trung bình trên 6 mức độ mà REST Q–Sports đưa ra. Kết quả đánh giá các tố chất thể lực sau thời kỳ chuẩn bị, trình độ thể lực của VĐV Futsal TSN đã tăng đáng kể và có ý nghĩa thống kê, đáp ứng cơ bản nhiệm vụ trọng tâm huấn luyện thể lực ở các giai đoạn huấn luyện. Qua đó cho thấy kế hoạch & chương trình huấn luyện là phù hợp, tương đồng hoặc thấp hơn không nhiều khi tham chiếu với một số đội bóng Futsal chuyên nghiệp thế giới.
Thứ tư, luận án đã cung cấp cho ban huấn luyện đội Futsal TSN những tư vấn điều chỉnh về phân bố lượng vận động, tỉ trọng huấn luyện giữa các yếu tố, cân đối huấn luyện sức mạnh chi dưới qua đó nâng cao hiệu quả huấn luyện cũng như hạn chế những chấn thương cho VĐV.