THÔNG TIN TÓM TẮT VỀ NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN TIẾN SĨ
Tên luận án: Nghiên cứu rủi ro dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh
Ngành: Quản lý xây dựng
Mã số: 9.58.03.02
Nghiên cứu sinh: Huỳnh Thị Yến Thảo
Họ và tên cán bộ hướng dẫn:
1. PGS.TS. Phạm Văn Vạng Trường Đại học Giao thông Vận tải
2. PGS.TS. Trần Quang Phú Trường Đại học Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Giao thông vận tải
TÓM TẮT ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
1. Luận án đã nghiên cứu tổng quan về RR và cách thức nhận dạng, đánh giá RR dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị trên thế giới và ở Việt Nam. Nội dung này đã củng cố thêm kiến thức về rủi ro, cách thức nhận dạng và đánh giá rủi ro trong dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị tại Việt Nam. Nội dung này có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu tiếp theo của các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này.
2. Hiện nay các nghiên cứu thường tập trung phân tích một vài RR riêng rẽ ảnh hưởng mục tiêu dự án. Luận án đã được mở rộng hơn bởi phân tích một cách tổng hợp các rủi ro ảnh hưởng lên toàn bộ dự án, bao gồm: rủi ro kỹ thuật, kinh tế, môi trường, xã hội và chính trị. Danh sách này xuất phát từ các nghiên cứu đi trước, tình hình thực tế của dự án và được thảo luận bởi các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực nên mang ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao, giúp các nhà quản lý có thể sớm nhận dạng được các rủi ro có thể xuất hiện trong các dự án đang thực hiện.
3. Luận án đã xem xét tầm quan trọng của các nhóm rủi ro đối với đa dạng mục tiêu dự án. Phần lớn các nghiên cứu hiện nay thường tập trung phân tích sự ảnh hưởng của rủi ro dự án lên tiến độ. Nghiên cứu này không chỉ đánh giá tầm quan trọng của rủi ro đến tiến độ mà còn cả chi phí và chất lượng dự án. Vì thế, việc đánh giá và xếp hạng mức độ ưu tiên của các nhóm rủi ro lên dự án mang tính chính xác hơn.
4. Thông qua việc sử dụng phương pháp phân tích mạng ANP nhằm đánh giá mức độ ưu tiên của từng rủi ro đối với đa mục tiêu của dự án có độ tin vậy và chính xác cao hơn các phương pháp định tính thông thường hiện đang được sử dụng. Do đó, kết quả này giúp các nhà quản lý có thể nhận dạng bước đầu những yếu tố rủi ro nào cần được ưu tiên xử lý và có biện pháp đối phó kịp thời.
5. Mô hình phân tích mạng ANP được xây dựng có tính đến mối quan hệ qua lại giữa các mục tiêu của dự án cũng như sự tương tác qua lại giữa các nhóm rủi ro. Kết quả nghiên cứu này không chỉ đề xuất phương pháp tiếp cận mới trong việc đánh giá một cách định lượng sự ảnh hưởng của rủi ro lên dự án mà còn giúp các nhà quản lý xem xét mối liên hệ giữa các yếu tố trong quá trình đưa ra quyết định nhằm chuẩn bị các giải pháp ứng phó phù hợp.
6. Luận án đã kết hợp phương pháp định tính và định lượng cùng với cách tiếp cận và sử dụng công cụ phù hợp, tính đến sự tương tác, ảnh hưởng qua lại giữa các nhóm RR và giữa các mục tiêu của dự án. Điều này đã góp phần bổ sung kiến thức về quản lý rủi ro dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị tại Việt Nam nói chung, giúp các nhà nghiên cứu cũng như các nhà quản lý có cách tiếp cận mới trong quá trình nghiên cứu, làm việc nhằm mang lại hiệu quả cao.