THÔNG TIN VỀ NHỮNG KẾT LUẬN VÀ ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
Đề tài luận án: “Nghiên cứu sâu bệnh, cỏ dại trong hệ thống trồng xen cây mạch môn (Ophiopogon japonicus Wall.) với cây trồng khác tại tỉnh Phú Thọ”
Chuyên ngành: Bảo vệ thực vật.
Mã số: 62 62 01 12
Họ và tên nghiên cứu sinh: Nguyễn Thế Hinh
Họ và tên người hướng dẫn:
– GS.TS. Nguyễn Văn Tuất
– TS. Nguyễn Đình Vinh
Cơ sở đào tạo: Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS)
Tóm tắt những kết luận và đóng góp mới của luận án
1. Xác định được tác nhân gây bệnh thối nõn cây mạch môn là nấm Pythium helicoides Drechsler. Loài nấm đã được công bố gây bệnh trên một số cây trồng trên thế giới, nhưng đây là lần đầu tiên được phát hiện gây hại trên cây mạch môn ở Việt Nam.
2. Đã nghiên cứu một số đặc điểm sinh học của nấm P. helicoides Drechsler và thử nghiệm một số biện pháp sinh học và hóa học phòng trừ nấm bệnh trong phòng thí nghiệm để làm cơ sở nghiên cứu các biện pháp phòng trừ bệnh thối nõn cây mạch môn. Bước đầu thử nghiệm diện hẹp trên đồng ruộng một số chế phẩm sinh học và thuốc hóa học phòng trừ bệnh thối nõn cây mạch môn đã cho kết quả tốt. Các chế phẩm sinh học (nấm Trichoderma asperellum và Streptomyces misionensis, Streptomyces aureofaciens, Bacillus amyloliquefaciens) đạt hiệu quả ức chế sự phát triển của nấm bệnh trên 75%, các thuốc hóa học (Ridomil 72 MZ 0,2% và Viben – C 50 BTN 0,2%) có tác dụng ức chế sự phát triển của nấm bệnh đạt từ 93,3-100%.
3. Trồng xen cây mạch môn bước đầu chưa ghi nhận được ảnh hưởng đến một số sâu bệnh hại trên cây chè kiến thiết cơ bản như rầy xanh (Empoasca flavescens Fabr.), bọ cánh tơ (Physothrips stiventris Bagn), nhện đỏ (Oligonychus coffeae Niet), bọ xít muỗi (Helopentis theivora Waterhouse), bệnh đốm nâu (Colletotrichum Camelliae Masse), bệnh thối búp (Colletotrichum theae Petch) và trên cây bưởi như sâu vẽ bùa (Phyllocnistis citriella Saintion), bệnh loét (Xanthomonas campestris).
4. Cây mạch môn có khả năng ức chế cỏ dại thông qua phương thức che bóng và ức chế sinh hóa học từ rễ cây mạch môn – phù hợp với kết quả nghiên cứu của Lin D., Tsuzuki và cộng sự (2003) đã phát hiện dung dịch bột khô của củ mạch môn có khả năng ức chế khả năng nảy mầm và phát triển của cỏ dại trong ruộng lúa gieo thẳng mà không ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của cây lúa. Do vậy, trồng xen mạch môn trong các vườn chè kiến thiết cơ bản và vườn bưởi có tác dụng quản lý cỏ dại rõ rệt.
5. Bước đầu đề xuất một số biện pháp trồng xen cây mạch môn (thời vụ, khoảng cách, mật độ trồng xen tối ưu) nhằm đạt được hiệu quả quản lý cỏ dại cao nhất trong vườn bưởi và vườn chè kiến thiết cơ bản theo hướng quản lý cây trồng tổng hợp (ICM).