Tên luận án: Nghiên cứu sự hài lòng của sinh viên đối với chất lượng dịch vụ giáo dục thể chất tại Đại học Đà Nẵng.
Ngành: Giáo dục học
Mã số: 9140101
Nghiên cứu sinh: Hoàng Trọng Lợi
Cán bộ hướng dẫn khoa học:
1. PGS.TS. Lê Văn Huy
2. PGS.TS. Trần Hồng Quang
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh
Những đóng góp mới của luận án
1. Luận án đã tổng quan các vấn đề lý luận về chất lượng dịch vụ, những nhân tố ảnh hưởng tới sự hài lòng của sinh viên đối với chất lượng dịch vụ giáo dục thể chất, một lĩnh vực ít được chú ý trong nghiên cứu chất lượng dịch vụ giáo dục.
2. Luận án đã xác lập được thang đo chất lượng dịch vụ giáo dục thể chất trong trường đại học, bao gồm các nhân tố: cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, năng lực phục vụ, giá trị cảm nhận và nghiên cứu thực tiễn tại 05 trường đại học thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng.
3. Về thực trạng sự hài lòng của sinh viên đối với chất lượng dịch vụ giáo dục thể chất tại Đại học Đà Nẵng: Luận án đã xác định được mức độ quan trọng của các yếu tố thành phần; xác định mức độ thực hiện với các yếu tố cấu thành và hình thành ma trận mức độ quan trọng và mức độ thực hiện (IPA) của Khoa Giáo dục thể chất- Đại học Đà Nẵng. Với kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ số sự hài lòng CSI = 77.06% (nằm trong khoảng từ 60% đến 80%) là tương đối tốt.
4. Từ kết quả thực trạng sự hài lòng của sinh viên và phân tích từ mô hình IPA, sau khi đánh giá tầm quan trọng và mức độ thực hiện của các thuộc tính trong 5 nhân tố cấu thành chất lượng dịch vụ giáo dục thể chất, luận án đã xác định 5 giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục thể chất tại Đại học Đà Nẵng.
5. Qua thực nghiệm giải pháp đã lựa chọn, thông qua các tiêu chí, sinh viên đánh giá tốt về nội dung chương trình môn học mới, hình thức tổ chức hoạt động các câu lạc bộ thể thao và hài lòng, cảm thấy hứng thú sau khi tham gia chương trình thực nghiệm. Điều này thể hiện hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục thể chất tại Đại học Đà Nẵng.
Những phát hiện, đề xuất mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu, khảo sát của luận án
Dựa trên các phương pháp nghiên cứu định lượng, luận án đã phát triển được bộ thang đo đánh giá chất lượng giáo dục thể chất của sinh viên, kiểm định thực tế tại các trường thuộc Đại học Đà Nẵng. Các thang đo này đều được kiểm chứng là đáng tin cậy bằng dữ liệu thực nghiệm và có thể sử dụng cho các nghiên cứu trong tương lai trong lĩnh vực dịch vụ giáo dục thể chất.
Thông qua phân tích các dữ liệu thứ cấp và sơ cấp thu thập trong quá trình nghiên cứu của luận án, tác giả đưa ra các gợi ý và khuyến nghị với Đại học Đà Nẵng cụ thể bao gồm: (1) Đầu tư, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp sân bãi, mua sắm thêm trang thiết bị đáp ứng ngày càng tốt hơn cho môn học Giáo dục thể chất; (2) Lập kế hoạch tuyển dụng, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và phát triển đội ngũ giảng viên Giáo dục thể chất tại Đại học Đà Nẵng; (3) Đổi mới nội dung chương trình môn học Giáo dục thể chất tại Đại học Đà Nẵng; (4) Đa dạng hoá hoạt động thể thao ngoại khoá, kích thích tính hứng thú tập luyện thể dục thể thao của sinh viên với hình thức câu lạc bộ, đội tuyển. (5) Tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của môn học Giáo dục thể chất.