TRANG THÔNG TIN VỀ NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI VỀ HỌC THUẬT, LÝ LUẬN CỦA LUẬN ÁN
I) Thông tin chung:
1) Tên đề tài luận án và cơ sở đào tạo
+ Tên đề tài luận án: Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến nguy cơ cháy rừng ở Việt Nam và đề xuất giải pháp ứng phó.
+ Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Lâm nghiệp
2) Nghiên cứu sinh
+ Họ tên NCS: Lê Sỹ Doanh
+ Học vị: Thạc sỹ
+ Chuyên ngành: Lâm sinh; Mã số: 62.62.02.05
3) Người hướng dẫn khoa học
1. PGS.TS. Trần Quang Bảo, Trưởng Phòng Đào tạo – Đại học Lâm nghiệp
2. GS.TS. Vương Văn Quỳnh, Viện trưởng Viện Sinh thái rừng và Môi trường – Đại học Lâm nghiệp
II) Thông tin về luận án:
1) Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của luận án
(1) Ý nghĩa khoa học:
Lần đầu tiên ở Việt Nam, luận án xây dựng được chỉ số khí hậu phản ảnh nguy cơ cháy rừng Qi liên quan đến biến đổi khí hậu và phương pháp nghiên cứu tác động của BĐKH đến nguy cơ cháy rừng. Góp phần hoàn thiện phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu về tác động của BĐKH đến cháy rừng và quản lý bảo vệ rừng nói chung ở Việt Nam.
Nghiên cứu của Luận án đã góp phần bổ sung những hiểu biết về tác động tiềm tàng của BĐKH đến nguy cơ cháy rừng ở Việt Nam.
(2) Ý nghĩa thực tiễn:
Đề tài luận án đã xác định được các vùng cháy rừng hiện tại và ở những thời điểm khác nhau đến năm 2090. Đây là tài liệu tham khảo có giá trị cho việc hoạch định chính sách và xây dựng các phương án phòng cháy chữa cháy rừng và quản lý bảo vệ rừng nói chung.
Đề tài đã xác định được nhiều phương pháp cần thiết để giảm thiểu nguy cơ cháy rừng, thích ứng với BĐKH đến năm 2020.
Luận án có thể được sử dụng như một tài liệu tham khảo hữu ích phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập của đội ngũ giảng viên và sinh viên của các trường có đào tạo về lĩnh vực lâm nghiệp và BĐKH.
2) Những đóng góp mới của luận án
(1) Về phương pháp nghiên cứu:
Luận án là công trình đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu một cách hệ thống về ảnh hưởng của BĐKH đến nguy cơ cháy rừng, kết quả nghiên cứu đã cho phép luận án đề xuất và hoàn thiện: “Phương pháp đánh giá tác động của BĐKH đến nguy cơ cháy rừng ở Việt Nam”.
Phương pháp đánh giá tác động của BĐKH đến nguy cơ cháy rừng ở Việt Nam được đề xuất thực hiện qua 4 bước. Với chỉ số khí hậu phản ánh nguy cơ cháy rừng Qi được xác định theo công thức sau: Qi= ((Ki-2*Ti-2*abs(Ri-2-100)^0,8)*0,1) + ((Ki-1*Ti-1*abs(Ri-1-100)^0,8)*0,2) + (Ki*Ti*abs(Ri-100)^0,8. Phương trình liên hệ giữa số ngày có nguy cơ cháy rừng cao Snc45 và chỉ số khí hậu phản ánh nguy cơ cháy rừng Qi được xác định là: Snc45 = 7,284*Qi + 1,029 với R2 = 0,588. Phân cấp nguy cơ cháy rừng theo số ngày có nguy cơ cháy cao Snc45 được chia thành 5 cấp: ít khả năng cháy, nguy cơ cháy thấp, nguy cơ cháy trung bình, nguy cơ cháy cao, nguy cơ cháy rất cao.
(2) Về cơ sở lý luận và khoa học:
Kết quả đánh giá tác động của BĐKH đến nguy cơ cháy rừng ở các vùng sinh thái và tại các địa phương của luận án góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận và cơ sở khoa học về tác động của BĐKH đến ngành lâm nghiệp nói chung và nguy cơ cháy rừng nói riêng ở Việt Nam trong tương lai. Tính trung bình các địa phương trong toàn quốc vào thời điểm năm 2090, số ngày có nguy cơ cháy rừng cao trong năm là 84 ngày/năm với hệ số biến động giữa các tỉnh là 41%. Như vậy, số ngày có nguy cơ cháy rừng cao đã tăng 6 ngày so với thời điểm năm 2050 và 12 ngày so với năm 2030 do tác động của quá trình BĐKH ở nước ta. Vùng Tây Nam Bộ và Tây Nguyên được dự báo là khu vực có nguy cơ cháy rừng cao nhất do điều kiện thời tiết nóng hạn gia tăng với số ngày có nguy cơ cháy rừng cao trong năm được dự báo là 123 ngày/năm và 101 ngày/năm. Hệ số biến động số ngày có nguy cơ cháy rừng cao giữa các vùng sinh thái được xác định là khoảng 36%.