NHỮNG THÔNG TIN ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
Tên luận án: “Nghiên cứu ứng dụng trò chơi vận động để phát triển thể lực và kỹ năng sống cho học sinh lứa tuổi (6 -7) tại một số trường tiểu học nội thành, Thành phố Hồ Chí Minh”
Ngành: Giáo dục học
Mã số: 9140101
Nghiên cứu sinh: Nguyễn Kế Bình
Cán bộ hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS Trịnh Hữu Lộc; 2. PGS.TS Trịnh Trung Hiếu
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Thể dục thể thao Tp. Hồ Chí Minh
Những đóng góp mới của luận án
1. Qua các bước nghiên cứu luận án đã xác định được thực trạng thể lực và kỹ năng sống của học sinh lứa tuổi 6-7 tại một số trường tiểu học nội thành, TP.HCM.
– Về thể lực qua kết quả so sánh với tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT cho thấy thể lực của học sinh nam, nữ lứa tuổi 6-7 là chưa tốt. Tỷ lệ học sinh nam xếp loại “Chưa đạt” chiếm tỷ lệ từ 49.3% – 49.7%. Tỷ lệ HS nữ xếp loại “Chưa đạt” chiếm tỷ lệ từ 47.1% – 52.5%.
– Về kỹ năng sống của học sinh qua đánh giá của CBQL, GV và phụ huynh học sinh cho thấy kỹ năng sống của học sinh lứa tuổi 6 -7 tại một số trường tiểu học nội thành, TP.HCM còn ở mức yếu.
2. Qua nghiên cứu đã lựa chọn được 20 trò chơi vận động, phù hợp nhằm phát triển thể lực và kỹ năng sống cho học sinh lứa tuổi (6 -7) tại một số trường tiểu học nội thành, TP.HCM bao gồm: Bịt mắt bắt dê, Cái lược (Indonesia), Chạy tiếp sức, Chó sói và bầy cù, Cướp cờ, Diệt các con vật có hại, Kéo cưa, lừa xẻ, Ném bóng vào rổ, Người mù và bầy ruồi, Trồng nụ, trồng hoa, Tung bóng vào đích, Chuyền bóng tiếp sức, Nhảy đúng nhảy nhanh, Tâng cầu, Nhảy ô tiếp sức, Nhóm ba, nhóm bảy , Lò cò tiếp sức, Ai khỏe ai khéo, Lăn bóng và Đuổi bắt.
Trên cơ sở các trò chơi vận động được lựa chọn, nghiên cứu đã tiến hành phân phối các trò chơi vận động cho từng lứa tuổi để ứng dụng trong giảng dạy môn thể dục cho học sinh. Trong đó: đối với học sinh 6 tuổi: Số trò chơi được phân phối là 14/20 trò chơi vận động, đối với học sinh 7 tuổi: Số trò chơi được phân phối là 12/20 trò chơi vận động.
Trên cơ sở lý luận khoa học về phương pháp GDTC và các cơ sở khoa học khác, nghiên cứu cũng đã đưa ra được biện pháp ứng dụng trò chơi vận động cho học sinh trong quá trình GDTC với các nội dung cụ thể như:
– Mục tiêu, nội dung, cách thức, điều kiện ứng dụng trò chơi vận động cho học sinh.
– Quy trình ứng dụng các trò chơi vận động cho học sinh.
– Hình thức ứng dụng các trò chơi vận động cho học sinh.
3. Hiệu quả ứng dụng trò chơi vận động để phát triển thể lực và kỹ năng sống cho học sinh lứa tuổi (6 -7) tại một số trường tiểu học nội thành, TP.HCM
Trước thực nghiệm các chỉ số thể lực, kỹ năng sống của học sinh nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng tương đồng nhau trước thực nghiệm, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê, đảm bảo sự bằng nhau của các nhóm trước thực nghiệm.
Sau thực nghiệm bằng các phương pháp so sánh cho thấy các chỉ số về thể lực của học sinh nam, nữ nhóm thực nghiệm có sự phát triển, tăng trưởng tốt hơn so với các trước khi thực nghiệm. Bên cạnh đó các kỹ năng sống của học sinh nhóm thực nghiệm đều được CBQL-GV, Phụ huynh học sinh đánh giá cao hơn trước thực nghiệm và đều đạt trên mức khá theo thang đo likert. Sự khác biệt về thể lực và kỹ năng sống của học sinh mang ý nghĩa thống kê ở ngưỡng xác suất 95% với p <0.05.