THÔNG TIN TÓM TẮTNHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
Tên đề tài: “Nghiên cứu ứng xử uốn của dầm bê tông cường độ cao cốt polyme gia cường sợi (FRP) để xây dựng cầu ở Campuchia”.
Chuyên ngành: Kỹ thuật xây dựng công trình đặc biệt.
Mã số chuyên ngành: 62580206.
Họ và tên nghiên cứu sinh: Cheng Por Eng
Họ và tên cán bộ hướng dẫn:
1. GS.TS. Nguyễn Viết Trung – Trường Đại học Giao thông Vận tải
2. PGS.TS. Nguyễn Thị Tuyết Trinh – Trường Đại học Giao thông Vận tải
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Giao thông Vận tải
Tóm tắt những đóng góp mới của luận án:
a) Luận án đã tập hợp các kết quả nghiên cứu về cấu trúc thành phần, yêu cầu vật liệu, công nghệ chế tạo và tính năng, phạm vi áp dụng của vật liệu BTCĐC sử dụng cốt FRP trên thế giới, ở Việt Nam và khả năng ứng dụng trong xây dựng cầu ở Campuchia.
b) Luận án đã nghiên cứu phương pháp thiết kế kết cấu BTCĐC sử dụng cốt FRP theo Tiêu chuẩn của một số nước và kết quả nghiên cứu của một số tác giả trên thế giới. Đã phân tích và kiến nghị lựa chọn một số tham số đưa vào tính toán thiết kế như: hệ số khối ứng suất α1=0,75; β1=0,65 cho biểu đồ khối ứng suất của BTCĐC và mô đun gẫy của bê tông fr= 0,81 . Kiến nghị lấy hệ số sức kháng ϕ = (0,55÷0,65), bề rộng vết nứt cho phép bằng (0,5÷0,7) mm theo ACI 440.1R-06, phục vụ bài toán thiết kế dạng kết cấu này phù hợp với điều kiện Việt Nam và Campuchia.
c) Luận án đã nghiên cứu thực nghiệm mô hình dầm BTCĐC sử dụng cốt Polyme gia cường sợi thủy tinh (GFRP). Đã so sánh đối chiếu kết quả nghiên cứu thực nghiệm với kết quả tính toán lý thuyết để đưa ra một số kết luận ban đầu về mức độ phù hợp giữa kết quả nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm.
d) Luận án đã thiết kế thử nghiệm một số dạng kết cấu BTCĐC sử dụng các loại cốt khác nhau gồm: cốt thép, cốt GFRP, cốt CFRP và cốt Hybrid trên cơ sở cùng loại BTCĐC, kích thước mặt cắt ngang dầm và tổng diện tích mặt cắt ngang của các loại cốt xấp xỉ bằng nhau. Đã so sánh một số chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu về: mô men, độ võng, độ mở rộng vết nứt tương ứng với các loại cốt khác nhau.
e) Luận án đã thiết kế thử nghiệm một số dạng kết cấu nhịp cầu bằng BTCĐC sử dụng các loại cốt khác nhau có tỷ lệ cấu tạo thay đổi từ đó đưa ra một số khuyến cáo về tỷ lệ giữa chiều cao dầm và chiều dài nhịp h/L tối thiểu cho các loại kết cấu nhịp cầu dầm nêu trên.