I. Phần mở đầu
Tác giả: Nguyễn Thị Ngọc Uyên
Tên luận án: “Nghiên cứu việc duy trì năng lực ngoại ngữ của giáo viên Tiếng Anh cấp trung học phổ thông khu vực Tây Nguyên, Việt Nam”
Ngành: Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn tiếng Anh;
Mã số: 9 14 01 11
Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Phạm Thị Hồng Nhung
II. Nội dung bản trích yếu
1. Mục đích và đối tượng nghiên cứu của luận án
Từ năm 2015-2016, Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 đã tổ chức nhiều khóa bồi dưỡng năng lực cho giáo viên tiếng Anh cấp trung học phổ thông (THPT) ở miền Trung Tây Nguyên. Đến năm 2017, khoảng 80% giáo viên (GV) tiếng Anh cấp THPT đã đạt được Bậc 5 về năng lực ngoại ngữ (NLNN) theo khung tham chiếu ngoại ngữ 6 Bậc của Việt Nam. Đề tài này nghiên cứu nhận thức của GV dạy tiếng Anh cấp THPT ở miền Trung Tây Nguyên về các khóa bồi dưỡng NLNN do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức như một phần của hoạt động Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, và sự cần thiết của việc duy trì NLNN đã đạt được sau khi tham gia các khóa bồi dưỡng. Nghiên cứu nhằm tìm hiểu việc GV có hay không thực hiện các hoạt động để duy trì năng lực Tiếng Anh đã đạt được sau khi được bồi dưỡng, nhận thức của GV về sự cần thiết của các khóa bồi dưỡng năng lực Tiếng Anh và GV cảm nhận như thế nào về sự thay đổi trong dạy học kể từ sau khi tham gia các khóa bồi dưỡng. Thứ nhất, nghiên cứu tìm hiểu nhận thức của GV về sự cần thiết của các khóa bồi dưỡng năng lực Tiếng Anh đối với việc nâng cao và duy trì năng lực ngoại ngữ. Thứ hai, năng lực Tiếng Anh của GV thay đổi như thế nào, GV có nhận thấy thay đổi tích cực trong việc giảng dạy và có nhận thấy cần thiết phải duy trì năng lực đã đạt được kể từ sau khi được tham gia các khóa bồi dưỡng. Thứ ba, GV đã làm gì để duy trì NLNN đã đạt được, và trong quá trình thực hiện những hoạt động nhằm duy trì năng lực NLNN, GV có gặp thuận lợi hay khó khăn gì. Kết quả hy vọng cung cấp những thông tin liên quan đến việc GV tiếng Anh cấp THPT ở miền Trung Tây Nguyên khắc phục những khó khăn liên quan đến điều kiện dạy học do đặc thù của kinh tế-văn hóa-xã hội ở địa phương để duy trì NLNN đã đạt được. Từ đó, đưa ra các kiến nghị, đề xuất giải pháp phù hợp hỗ trợ GV thường xuyên duy trì và phát triển NLNN để nâng cao chất lượng đội ngũ và chất lượng dạy học môn Tiếng Anh cấp THPT ở địa phương.
2. Các phương pháp nghiên cứu
Nhằm đáp ứng các tiêu chí được đưa ra cũng như trả lời đầy đủ câu hỏi nghiên cứu, đề tài đã chọn phương pháp kết hợp (cả định lượng và định tính). Nghiên cứu được thiết kế theo hình thức nghiên cứu khám phá, tiến hành theo chuỗi bắt đầu bằng nghiên cứu và phân tích định lượng. Từ kết quả định lượng ban đầu, tác giả xác định các yếu tố cần tìm hiểu sâu hơn và sửdụng các kết quả này để xây dựng cho giai đoạn định tính (Creswell & Clark, 2007). Việc phân tích dữ liệu được thực hiện để đảm bảo độ giá trị và độ tin cậy của nghiên cứu. Kết quả định lượng và định tính được phân tích theo các kỹ thuật khác nhau. Dữ liệu định lượng được phân tích trước theo hình thức mô tả, dữ liệu định tính được phiên và đếm theo ý. Cả hai công cụ định lượng và định tính đều được nghiên cứu thử nghiệm và điều chỉnh trước khi tiến hành điều tra chính thức.
3. Các kết quả chính và kết luận
Kết quả nghiên cứu cho thấy GV tiếng Anh cấp THPT ở miền Trung Tây Nguyên có nhận thức tích cực về sự cần thiết và tầm quan trọng của các khóa bồi dưỡng năng lực Tiếng Anh. Cụ thể, GV nhận thấy năng lực Tiếng Anh (kĩ năng nghe, nói, đọc, viết và kiến thức ngôn ngữ, từ vựng, ngữ pháp,..) đều được cải thiện và nâng lên ít nhất 1 Bậc sau khi được tham gia bồi dưỡng. (Trước bồi dưỡng, GV được kiểm tra đánh giá và được công nhận đạt Bậc 3 hoặc 4, sau khi bồi dưỡng đã đạt Bậc 5 và số ít đạt Bậc 6). Đồng thời, hơn 90% GV cảm nhận được sự thay đổi tích cực trong việc dạy học, họ cho rằng đã sử dụng tiếng Anh trong lớp học nhiều hơn, trôi chảy hơn, tự tin hơn và đã thiết kế nhiều hoạt động giúp học sinh sử dụng nhiều tiếng Anh trong và ngoài lớp học hơn trước khi tham gia bồi dưỡng. Đặc biệt, từ nhận thức về sự thay đổi đó, GV cho rằng việc duy trì NLNN đã đạt được là rất cần thiết nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Theo đó, nhiều GV đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm duy trì và nâng cao NLNN. Tuy nhiên, họ gặp phải một số khó khăn như học sinh đông, chênh lệch nhiều về năng lực ngoại ngữ trong một lớp học, số học sinh dân tộc thiểu số chiếm nhiều, học sinh ngại nói tiếng Anh, gia đình thiếu hoặc ít quan tâm đầu tư việc học tiếng Anh,..và một số khó khăn khác liên quan đến GV như ít có cơ hội tham gia các khóa bồi dưỡng năng lực, nghiệp vụ do công việc ở trường nhiều, trường thiếu GV, thiếu cơ sở vật chất, dạy học phần nhiều vẫn còn theo kiểu dạy học phục vụ thi và kiểm tra truyền thống (chưa chú trọng kĩ năng nghe, nói tiếng Anh), thu nhập gia đình thấp, GV còn đi làm xa nhà,..Tuy nhiên, nhiều GV đã nỗ lực, khắc phục khó khăn để thực hiện nhiều hoạt động nhằm duy trì năng lực đã đạt được. Có 6 hoạt động chính được GV mô tả là những hoạt động họ thường xuyên thực hiện và phù hợp với hoàn cảnh thực tế dạy học của họ. Đó là thường xuyên ôn tập kiến thức và kĩ năng, thường xuyên tham khảo các nguồn tài liệu dành cho GV tiếng Anh, thường xuyên truy cập những nguồn tài liệu tham khảo trên mạng Internet, Youtube videos, Tedtalk, xây dựng và tạo diễn đàn sử dụng tiếng Anh ở trường hoặc cụm trường, và nỗ lực sử dụng tiếng Anh để giảng dạy tiếng Anh trong và ngoài lớp học. Các kết quả trên có thể được xem là thành công và nỗ lực khắc phục khó khăn của toàn xã hội, của Bộ GDĐT, các Sở GDĐT, lãnh đạo và giảng viên các trường Đại học, các trường THPT, và đặc biệt là của chính những GV tiếng Anh ở khu vực miền Trung Tây Nguyên. Để các kết quả trên có thể tạo được thay đổi lâu dài, và hiệu quả duy trì năng lực ngoại ngữ được bền vững, một số đề xuất, kiến nghị đã được nêu ra. Cụ thể, sự hợp tác và cộng tác các cấp lãnh đạo Bộ GDĐT, các Sở GDĐT, lãnh đạo và giảng viên các trường Đại học, lãnh đạo các trường THPT nhằm có giải pháp phù hợp, và tạo điều kiện thuận lợi để GV tiếng Anh cấp THPT được tham gia bồi dưỡng hoặc tự bồi dưỡng năng lực và nghiệp vụ thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cũng như chất lượng giảng dạy môn Tiếng Anh ở địa phương.