NHỮNG THÔNG TIN ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
Tên luận án: “Nghiên cứu xây dựng các bài tập phát triển sức mạnh cho VĐV nam đội tuyển trẻ đua thuyền Canoeing Trung tâm huấn luyện thể thao Quốc gia Cần Thơ ”.
Ngành: Giáo dục học Mã số: 9140101
Nghiên cứu sinh: ĐOÀN THU ÁNH ĐIỂM
Cán bộ hướng dẫn khoa học: 1. PGS.TS. Trần Hồng Quang
2. TS. Nguyễn Thị Mỹ Linh
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Thể dục thể thao Tp. Hồ Chí Minh
Những đóng góp mới của luận án.
1. Đánh giá được thực trạng sức mạnh của VĐV nam đội tuyển trẻ đua thuyền Canoeing Trung tâm HLTTQG Cần Thơ
Qua các bước lựa chọn, nghiên cứu đã xác định được hệ thống gồm 15 test để tiến hành đánh giá nam VĐV đội tuyển trẻ Canoeing Trung tâm HLTTQG Cần Thơ, trong đó 7 chỉ số đánh giá về hình thái gồm: Chiều cao đứng (cm), Chiều cao ngồi (cm), Dài sải tay (cm), Cân nặng (kg), BMI, mỡ cơ thể (%) và Vòng cánh tay trên (duỗi) (cm). 8 test đánh giá về sức mạnh của gồm: Đẩy tạ tối đa (kg), kéo tạ tối đa (kg), đẩy tạ bền 40 kg (lần), kéo tạ bền 40 kg (lần), Lực lưng (kg), Nằm sấp chống đẩy (lần/phút), Co tay xà đơn (lần/phút), và Bật với từ tư thế quỳ (cm). Việc lựa chọn các test được đảm bảo về qui trình, tính khách quan, khoa học và kiến thức chuyên môn của tác giả.
Kết quả đánh giá thực trạng bước đầu cho thấy về chỉ số hình thái, toàn đội có độ đồng đều cao, 7/7 test đều có Cv% <10%. Về sức mạnh, các VĐV nam đội tuyển trẻ đua thuyền Canoeing Trung tâm HLTTQG Cần Thơ chưa có sự đồng đều tốt, 4/8 test (Nằm sấp chống đẩy (lần/phút), Co tay xà đơn (lần/phút), Lực lưng (kg), Bật với từ tư thế quỳ (cm)) có hệ số biến thiên Cv% > 10. Có thể thấy trình độ sức mạnh của VĐV nam đội tuyển trẻ đua thuyền Canoeing Trung tâm HLTTQG Cần Thơ có sự chênh lệch, phân tán rộng. Kết quả so sánh tham chiếu với các đối tượng khác cho thấy thực trạng thành tích này phần lớn đều thấp hơn các đối tượng so sánh.
2. Xây dựng được hệ thống bài tập phát triển sức mạnh cho VĐV nam đội tuyển trẻ đua thuyền Canoeing Trung tâm HLTTQG Cần Thơ
Thông qua các bước tổng hợp, thảo luận nhóm và phỏng vấn chuyên gia, luận án đã tổng hợp được 47 bài tập cơ bản thuộc 4 nhóm: Nhóm bài tập phát triển sức mạnh tốc độ (9 bài); Nhóm bài tập phát triển sức mạnh bền (14 bài); Nhóm bài tập sức mạnh tối đa (8 bài); Nhóm bài tập bổ trợ (16 bài).
Chương trình thực nghiệm được thiết kế với 2 lần thực nghiệm, tương ứng 2 chu kỳ huấn luyện kéo dài 31 tuần, trong đó chu kỳ 1 gồm 15 tuần và chu kỳ 2 gồm 16 tuần. Trong mỗi chu kỳ được phân chia chi tiết theo các giai đoạn huấn luyện nhỏ theo giải gồm 4 giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị chung, giai đoạn chuẩn bị chuyên môn, giai đoạn tiền thi đấu & thi đấu và giai đoạn chuyển tiếp. Các bài tập được sắp xếp theo mức độ từ dễ đến khó tương ứng với thời gian và tiến độ thực nghiệm. Việc xác định các thông số cụ thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng hơn cả là trình độ tập luyện của VĐV.
3. Đánh giá được hiệu quả xây dựng hệ thống bài tập phát triển sức mạnh cho VĐV nam đội tuyển trẻ đua thuyền Canoeing Trung tâm HLTTQG Cần Thơ
Sau thực hiện chương trình thực nghiệm, luận án thu về được các kết quả tích cực, minh chứng được sự phù hợp của chương trình sức mạnh mới được xây dựng với đối tượng là các VĐV nam đội tuyển trẻ đua thuyền Canoeing Trung tâm HLTTQG Cần Thơ. Các test tăng trưởng cụ thể như sau:
+ Về hình thái: 7/7 chỉ số hình thái đều tăng trưởng phù hợp. Trong đó chiều cao đứng (cm) tăng trưởng 2.84%, chỉ số chiều cao ngồi tăng 3.05 %, dài sải tay tăng 0.83%, cân nặng tăng 3.01%, vòng bao tay tăng 1.84 %, mỡ giảm 6.34%, và BMI ở mức cân đối.
+ Về sức mạnh: sức mạnh của VĐV nam đội tuyển trẻ đua thuyền Canoeing Trung tâm HLTTQG Cần Thơ đều tăng trưởng rõ rệt. Trong đó test nằm đẩy tạ tối đa (kg) tăng 8.48%, nằm kéo tạ tối đa (kg) tăng 7.94%, nằm đẩy tạ bền 40 kg (lần) tăng 13.93%, nằm kéo tạ bền 40 kg (lần) tăng 14.96%, nằm sấp chống đẩy (lần/phút) tăng 13.46%, co tay xà đơn (lần/phút) tăng 19.58%, lực lưng (kg) tăng 6.92%, bật với từ tư thế quỳ (cm) tăng 4.51%. Bên cạnh đó, thành tích của các VĐV cũng dần đồng đều hơn so với lần kiểm tra đầu của chương trình thực nghiệm.