A. MỞ ĐẦU
Tên tác giả: Nguyễn Cảnh Toàn
Tên luận án: Phát triển đội ngũ giảng viên võ thuật các trường đại học ngành Công an nhân dân trong bối cảnh xã hội hiện nay
Chuyên ngành đào tạo: Quản lý giáo dục
Mã số: 9 14 01 14
Cơ sở đào tạo: Học viện Quản lý Giáo dục.
B. NỘI DUNG BẢN TRÍCH YẾU
1 . Mục đích nghiên cứu
Trên cơ sở hệ thống hoá các vấn đề lý luận về phát triển đội ngũ giảng viên đại học, giảng viên võ thuật trong các trường đại học ngành Công an nhân dân và cơ sở thực tiễn về phát triển đội ngũ giảng viên võ thuật các trường đại học ngành Công an nhân dân; đề xuất các giải pháp phát triển đội ngũ giảng viên võ thuật các trường đại học ngành Công an nhân dân trong bối cảnh xã hội hiện nay nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo võ thuật cho lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
2. Đối tượng nghiên cứu
Phát triển đội ngũ giảng viên võ thuật các trường đại học ngành Công an nhân dân trong bối cảnh xã hội hiện nay.
3. Phương pháp nghiên cứu
Trên cơ sở tiếp cận các lý thuyết phát triển nguồn nhân lực (phát triển nguồn nhân lực ở phương diện vĩ mô và vi mô, phát triển nguồn nhân lực dự vào năng lực), tiếp cận năng lực, tiếp cận chức năng quản lý, tiếp cận hệ thống, tiếp cận thực tiễn (cung – cầu); trong nghiên cứu đề tài luận án này đã phối hợp sử dụng các phương pháp chủ yếu: Nghiên cứu lý luận (hệ thống hóa, phân tích, tổng hợp, so sánh và khái quát hoá và cụ thể hoá); Nghiên cứu thực tiễn (quan sát, điều tra bằng phiếu hỏi, xin ý kiến chuyên gia (bằng phiếu hỏi và bằng phỏng vấn sâu), khảo nghiệm và thử nghiệm); và một số phương pháp khác để bổ trợ (sử dụng thuật toán tính giá trị trung bình gia quyền; sử dụng Graph).
4. Những kết quả chính của luận án
– Về lý luận: Hệ thống hoá được cơ sở lý luận về phát triển đội ngũ giảng viên võ thuật các trường đại học ngành Công an nhân dân trong bối cảnh xã hội hiện nay trên cơ sở tiếp cận chính là tiếp cận các lý thuyết phát triển nguồn nhân lực ở các phương diện vĩ mô, vi mô với tiếp cận phát triển nguồn nhân lực dựa vào năng lực; trong đó có các nội dung chủ yếu: Tổng quan nghiên cứu vấn đề; Một số khái niệm cơ bản; Đặc điểm lao động của giảng viên võ thuật trong các trường đại học ngành Công an nhân dân; Năng lực nghề nghiệp và các nhóm năng lực trong khung năng lực nghề nghiệp của giảng viên võ thuật các trường đại học ngành Công an nhân dân; Các yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh xã hội hiện nay; các yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ giảng viên võ thuật trong các trường đại học ngành Công an nhân dân trong bối cảnh xã hội hiện nay; Lý thuyết phát triển nguồn nhân lực và vận dụng vào phát triển đội ngũ giảng viên võ thuật các trường đại học ngành Công an nhân dân (quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng, đánh giá, tạo động lực); Các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển đội ngũ giảng viên võ thuật các trường đại học ngành Công an nhân dân.
– Về thực tiễn: Chỉ rõ “bức tranh toàn cảnh” về số lượng, cơ cấu, phẩm chất và năng lực nghề nghiệp đội ngũ giảng viên võ thụât các trường đại học ngành Công an nhân dân so với các yêu cầu năng lực nghề nghiệp (năng lực sư phạm, năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực huấn lụyện viên, năng lực xây dựng môi trường giáo dục, năng lực phát triển các quan hệ xã hội, năng lực lãnh đạo và quản lý); đồng thời làm rõ “bức tranh toàn cảnh” về thực trạng triển khai các nội dung phát triển đội ngũ giảng viên võ thụât các trường đại học ngành Công an nhân dân (quy hoạch, tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng, đánh giá, tạo động lực); đồng thời chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến các khó khăn và bất cập từ thực trạng đó. Đề xuất được 06 giải pháp phát triển giảng viên võ thụât các trường đại học ngành Công an nhân dân có mức độ cấp thiết và tính khả thi rất cao nhằm đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo võ thụât cho lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong bối cảnh xã hội hiện nay:
+ Tổ chức xây dựng Khung năng lực nghề nghiệp giảng viên võ thuật của trường đáp ứng yêu cầu đào tạo võ thuật cho học viên trong bối cảnh xã hội hiện nay.
+ Tổ chức định kỳ bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đội ngũ giảng viên võ thuật phù hợp với bối cảnh xã hội.
+ Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ cho đội ngũ giảng viên võ thuật nhằm nâng cao năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu đào tạo võ thuật của trường trong bối cảnh xã hội hiện nay.
+ Tổ chức đánh giá giảng viên võ thuật theo khung năng lực nghề nghiệp và đánh giá đội ngũ GVVT theo mục tiêu quy hoạch.
+ Tổ chức các hoạt động tạo động lực cho đội ngũ giảng viên võ thuật phát triển bằng xây dựng môi trường lao động thuận lợi, mở rộng việc làm và triển khai những chính sách ưu đãi của trường.
+ Tổ chức bồi dưỡng năng lực chuyên môn và nghiệp vụ về phát triển nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ quản lý trong các trường đại học ngành Công an nhân dân.