NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
Đề tài luận án: Phát triển hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam
Chuyên ngành: Tài chính – Ngân hàng Mã số: 62340201
Nghiên cứu sinh: Hồ Công Trung Mã NCS: NCS28.26TCNH
Người hướng dẫn: 1. GS.TS Nguyễn Văn Nam 2. TS Trần Vĩnh Đức
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Những đóng góp mới về mặt học thuật, lý luận
1. Đề xuất quan điểm toàn diện hơn về phát triển hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ, bao gồm phát triển cả về bề rộng và phát triển cả về chiều sâu. Trên cơ sở khái niệm đó, NCS xây dựng hệ thống chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ. Bên cạnh các chỉ tiêu đánh giá về quy mô, đối tượng, phạm vi, phương thức, NCS đề xuất các chỉ tiêu mới phản ánh chất lượng của phát triển, là mức độ hài lòng của khách hàng về chất lượng dịch vụ. NCS luận giải được các nhân tố ảnh hưởng mức độ phát triển của hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ, đặc biệt là làm rõ được ảnh hưởng của nhân tố mới như: cơ cấu tài trợ; các yếu tố chất lượng dịch vụ, giá cảm nhận và hình ảnh doanh nghiệp tới sự hài lòng của khách hàng.
2. Điều chỉnh mô hình đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố chất lượng dịch vụ, giá cảm nhận và hình ảnh doanh nghiệp tới sự hài lòng của khách hàng trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ trên cơ sở ghép hai biến sự tin cậy và khả năng đáp ứng dịch vụ. Các kiểm nghiệm đã khẳng định sự phù hợp của mô hình trong nghiên cứu hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam.
Những phát hiện, đề xuất mới rút ra từ kết quả nghiên cứu và khảo sát
1. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, cơ cấu tài trợ (nợ ngắn hạn và dài hạn) có tác động âm đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo hàm bậc 2.
2. Tại Việt Nam, hai nhân tố chất lượng dịch vụ là sự tin cậy và khả năng đáp ứng không phải là hai nhân tố được khách hàng cảm nhận riêng biệt đối với dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ mà chúng chỉ là một nhân tố.
3. Kết quả cho thấy chỉ có bốn nhân tố chính ảnh hưởng tới sự hài lòng khách hàng là (1) sự tin cậy và khả năng đáp ứng; (2) Năng lực phục vụ; (3) Giá cảm nhận và (4) Phương tiện hữu hình. Các nhân tố như sự đồng cảm và hình ảnh doanh nghiệp được xem như những thuộc tính phải có trong mô hình Kano.
4. Luận án đưa ra dự báo tiềm năng phát triển hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam đến 2020 với mức doanh thu khoảng 43 nghìn tỷ đồng, đồng thời chỉ ra một số hạn chế trong hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam liên quan đến cơ cấu sản phẩm, cấu trúc vốn doanh nghiệp, xung đột kênh phân phối.
5. Luận án đề xuất một số nhóm giải pháp mới về phát triển hoạt động bảo hiểm phi nhân thọ, bao gồm: (1) Tái cơ cấu tài trợ của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trên cơ sở sử dụng mô hình toán kinh tế nhằm xây dựng cơ cấu tài trợ tối ưu, từ đó, giảm chi phí vốn và tăng cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp bảo hiểm; (2) Sử dụng mô hình đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố chất lượng dịch vụ, giá cảm nhận và hình ảnh doanh nghiệp tới sự hài lòng của khách hàng để cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao sự hài lòng và tính trung thành của khách hàng đối với dịch vụ bằng biện pháp: (i) Nâng cao tính phù hợp về phí bảo hiểm với khách hàng; (ii) Nâng cao tính tin cậy của dịch vụ và khả năng đáp ứng dịch vụ; (iii) Nâng cao năng lực phục vụ của doanh nghiệp với khách hàng; (iv) Nâng cao cảm nhận của khách hàng với các yếu tố hữu hình; (v) Và một số giải pháp khác gắn với hoạt động định vị dịch vụ, phát triển sản phẩm dịch vụ có ý nghĩa xã hội.