Tên đề tài: “Phát triển năng lực đánh giá sự kiện cho học sinh trong dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông (Vận dụng qua chương trình Lịch sử Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1918)”
Chuyên ngành: Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Lịch sử
Mã số: 62.14.01.11
Nghiên cứu sinh: Dương Tấn Giàu
Cán bộ hướng dẫn: PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Những kết luận mới của luận án
– Phát triển năng lực đánh giá sự kiện cho học sinh là một vấn đề quan trọng trong dạy và học lịch sử ở trường trung học phổ thông. Bởi lẽ sử học nói chung và kiến thức môn Lịch sử nói riêng bao giờ cũng gồm hai phần sử và luận, trong đó phần sử là phần sự kiện đã diễn ra, còn phần luận là những đánh giá, giải thích của người đời sau về sự kiện lịch sử đó. Tiếc rằng việc phát triển năng lực này trong dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông vẫn còn nhiều hạn chế.
– Nhận thức được tầm quan trọng của năng lực này, luận án tập trung nghiên cứu cơ sở lí luận (quan niệm, phân loại, rút ra đặc điểm, những yếu tố tác động, vị trí của năng lực đánh giá sự kiện và vai trò, ý nghĩa trong dạy học lịch sử ở trường phổ thông) và điều tra khảo sát thực trạng phát triển năng lực này trong dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông.
– Trên cơ sở đó, luận án đề xuất 4 nhóm biện pháp phát triển năng lực đánh giá sự kiện cho học sinh trong dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông: hướng dẫn học sinh tìm hiểu, khám phá sự kiện lịch sử; hướng dẫn học sinh phát hiện và giải quyết vấn đề lịch sử; vận dụng các hình thức tổ chức dạy học và mô hình học tập tích cực; hướng dẫn học sinh rèn kĩ năng đánh giá sự kiện.
– Các biện pháp được vận dụng vào thực nghiệm sư phạm từng phần và toàn phần trong dạy học lịch sử ở các trường trung học phổ thông, đối sánh với các tiêu chí đánh giá năng lực đánh giá sự kiện bước đầu phản ánh tính khả thi.