Tên đề tài: Phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học Tin học cho học sinh dự bị đại học dân tộc
Chuyên ngành: Lí luận và Phương pháp dạy học bộ môn Kĩ thuật Công nghiệp
Mã số: 9.14.01.11
Nghiên cứu sinh: Lê Văn Sơn
Cán bộ hướng dẫn:
1. PGS.TS. Lê Huy Hoàng
2. TS. Ngô Văn Hoan
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Những kết luận mới của luận án
Năng lực sử dụng CNTT&TT của học sinh dự bị đại học dân tộc còn thấp, cần được bồi dưỡng và phát triển trong trường dự bị đại học, đảm bảo thích ứng được với chương trình học tập, nghiên cứu ở đại học giàu tính công nghệ.
Hiện tại, phát triển năng lực sử dụng CNTT&TT của học sinh dự bị đại học dân tộc chưa được chú trọng; chưa có các biện pháp hiệu quả phát triển năng lực sử dụng CNTT&TT cho học sinh; chưa có khung năng lực sử dụng CNTT&TT làm cơ sở để tổ chức dạy học phát triển năng lực cho học sinh.
Năng lực sử dụng CNTT&TT của học sinh dự bị đại học dân tộc được thể hiện thông qua 5 thành tố (năng lực thành phần) với 18 tiêu chí. Để phát huy được vai trò của khung năng lực sử dụng CNTT&TT, các tiêu chí được mô tả ở 05 cấp độ, phù hợp với trình độ của học sinh dự bị đại học dân tộc.
Việc hình thành và phát triển năng lực CNTT&TT có thể diễn ra qua ba bước (1). Nhận thức về hoạt động; (2). Thực hành hoạt động; (3). Đánh giá và điều chỉnh hoạt động. Trong đó, bước 2 và 3 được tiến hành thường xuyên và liên tục, đảm bảo sự phát triển của năng lực từ cấp độ thấp lên cấp độ cao.
Biện pháp dạy học phát triển năng lực sử dụng CNTT&TT của học sinh dự bị đại học dân tộc cần đảm bảo các nguyên tắc: (1). Tính mục đích, (2). Tính hệ thống, (3). Tính thực tiễn, (4). Tính khả thi, (5). Tính kế thừa và phát triển, (6). Tính hiện đại.
Để phát triển năng lực sử dụng CNTT&TT của học sinh dự bị đại học dân tộc trong dạy học tin học, có thể sử dụng các biện pháp: (1). Thiết kế bài dạy tin học phát triển năng lực sử dụng CNTT&TT; (2). Dạy học tin học gắn với bối cảnh thực tiễn; (3). Tổ chức dạy học Tin học theo dự án học tập.