THÔNG TIN NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN TIẾN SĨ
– Tên tác giả: Nguyễn Trần Vĩnh Linh
– Tên người hướng dẫn: GS. TS Đoàn Văn Điều; TS. Võ Văn Nam
– Tên luận án: Quản lí hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trường trung học phổ thông ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ
– Ngành khoa học của luận án: Khoa học Giáo dục
– Chuyên ngành: Quản lí giáo dục
– Khóa: 2012 – 2016
– Mã số: 62 14 01 14
– Tên cơ sở đào tạo: Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
NỘI DUNG NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
(Về mặt học thuật, lý luận, những luận điểm mới rút ra được từ kết quả nghiên cứu,
khảo sát của luận án)
Hoạt động tư vấn hướng nghiệp (TVHN) không phải là vấn đề mới, đã được xuất hiện trên thế giới từ giữa thế kỉ XIX và đã được nghiên cứu ở nước ta vào những năm 80 của thế kỉ XX.Từ năm 1996 đến 2005 đã xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu về hướng nghiệp và tư vấn nghề cho HS, tập trung vào các đặc điểm của bản thân trong quá trình chọn nghề, tư vấn nghề. Nghiên cứu quản lí về hoạt động TVHN cho học sinh (HS) trường trung học phổ thông (THPT) ở Việt Nam còn nhiều khoảng trống. Một số công trình nghiên cứu chỉ tập trung vào cơ sở lí luận, thực trạng và đề xuất biện pháp. Trong đó, các biện pháp quản lí thiên về quản lí hoạt động TVHN ở Việt Nam dưới góc độ nội dung của hoạt động này theo: mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức và điều kiện thực hiện TVHN. Xác định nội dung quản lí hoạt động TVHN cho HS các trường THPT theo tiếp cận lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện hoạt động TVHN còn bị bỏ ngỏ.
Qua nghiên cứu cơ sở lí luận và thực trạng quản lí hoạt động TVHN ở trường THPT các tỉnh miền Đông Nam Bộ cho thấy, các nhiệm vụ nghiên cứu đã được thực hiện và thể hiện bởi những kết quả chính là:
* Hệ thống cơ sở lí luận và hình thành khung lí thuyết về hoạt động TVHN, quản lí hoạt động TVHN của các trường THPT: Làm rõ các khái niệm công cụ của đề tài; tìm hiểu về nội dung hoạt động TVHN từ GDHN THPT, quản lí hoạt động TVHN; Xác định nội dung quản lí hoạt động TVHN cho HS các trường THPT theo tiếp cận lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra việc thực hiện hoạt động TVHN.
* Thực trạng quản lí hoạt động TVHN đã phản ánh các nét đặc thù của quản lí hoạt động TVHN cho HS THPT ở miền Đông Nam Bộ là: các trường đều thường lập kế hoạch TVHN nhưng kết quả thực hiện của chức năng này ở các trường THPT miền Đông Nam Bộ chưa được đánh giá cao; Mức độ thực hiện công tác tổ chức hoạt động TVHN không đồng đều, không ổn định; Chức năng chỉ đạo thực hiện hoạt động TVHN ở các trường THPT miền Đông Nam Bộ được diễn tiến khá bài bản, nhưng các trường thực hiện theo thói quen, kinh nghiệm. Chức năng kiểm tra, đánh giá của hiệu trưởng còn yếu. “Nhận thức của hiệu trưởng, cán bộ quản lí (CBQL), giáo viên (GV) HS về vai trò, tầm quan trọng về hoạt động TVHN” còn bị xem nhẹ hoặc chưa được quan tâm thấu đáo; Đề cao về “Xu hướng lựa chọn nghề của HS. Bên cạnh đó, thực trạng này vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế cần được khắc phục, cụ thể là:
– Mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức TVHN chưa đổi mới kịp thời theo yêu cầu đổi mới kinh tế – xã hội nói chung và đổi mới giáo dục – đào tạo nói riêng, thiếu sự phối hợp với doanh nghiệp trên địa bàn để đẩy mạnh TVHN, chưa giúp HS có những hiểu biết về nghề nghiệp để định hướng phát triển, lựa chọn ngành nghề phụ hợp với năng lực bản thân và nhu cầu xã hội.
– Lập kế hoạch quản lí hoạt động TVHN đã được thực hiện nhưng chưa mang lại hiệu quả. Việc tổ chức hoạt động TVHN tại thời gian điều tra chỉ được đánh giá ở mức trung bình và yếu, một số chức năng quản lí chưa được CBQL quan tâm chú trọng thực hiện. Công tác chỉ đạo hoạt động này chưa phát huy được các nguồn lực, thế mạnh. Kiểm tra, đánh giá hoạt động TVHN ở các trường còn bị buông lỏng, chưa được áp dụng một cách triệt để, đồng bộ.
– Ngoài ra, quản lí hoạt động này chỉ dựa trên khả năng và kinh nghiệm của mỗi cá nhân và trường, không tuân theo quy trình thống nhất; Nhà trường chưa thật sự khuyến khích, động viên, khen thưởng và có những chế độ ưu tiên cho những GV thực hiện hoạt động TVHN; Trình độ, năng lực TVHN của GV còn nhiều hạn chế. Cơ sở vật chất, kinh phí phục vụ cho tổ chức hoạt động TVHN còn thiếu thốn. Đây là những yếu tố ảnh hưởng rất lớn trong quá trình tổ chức và quản lí hoạt động TVHN cho HS.
Năm nguyên nhân cơ bản dẫn đến bất cập, hạn chế trên trong quản lí hoạt động TVHN của hiệu trưởng được xác định là: Nhà trường tổ chức hoạt động TVHN chưa đáp ứng nhu cầu TVHN cho HS. Hiệu trưởng thiếu sâu sát trong lập kế hoạch, chỉ đạo và tổ chức hoạt động TVHN. Hiệu trưởng chưa quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn lực trong hoạt động TVHN. Hiệu trưởng chưa tập trung thực hiện kiểm tra, đánh giá theo quy trình TVHN và thiếu sự giám sát trong khi thực hiện chức năng này. Nhà trường chưa thật sự và kịp thời động viên, khích lệ, khen thưởng và có những chế độ ưu tiên cho những GV thực hiện hoạt động TVHN.
Dựa trên nền tảng của cơ sở pháp lí, cơ sở lí luận, cơ sở thực tiễn về quản lí hoạt động TVHN, đặc biệt là dựa vào 05 nguyên nhân cơ bản của thực trạng quản lí hoạt động này, 04 biện pháp quản lí hoạt động TVHN ở các trường THPT miền Đông Nam Bộ được đề xuất là: 1) Tăng cường sự tổ chức và chỉ đạo của Hiệu trưởng về việc thực hiện hoạt động TVHN theo nhu cầu TVHN của HS THPT; 2) Xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng năng lực TVHN cho đội ngũ TVHN trong trường THPT; 3) hoàn thiện chức năng chỉ đạo của hiệu trưởng về kiểm tra, đánh giá hoạt động TVHN trường THPT; 4) Bổ sung quy chế về quản lí hoạt động TVHN cho đội ngũ tham gia hoạt động TVHN của trường THPT. Các biện pháp này có mối quan hệ lẫn nhau, trong đó, biện pháp 1 được ưu tiên thực hiện, đóng vai trò cầu nối và là cơ sở để thực hiện biện pháp 2, 3, 4, giúp hiệu trưởng thực hiện đầy đủ và hoàn thành trọng trách quản lí hoạt động TVHN cho HS trong nhà trường. Kết quả thu được từ xin ý kiến từ 30 CBQL và GV thuộc 20 trường về bốn biện pháp đã đánh giá cao về sự cần thiết và tính khả thi của các biện pháp này. Kết quả thực nghiệm biện pháp 1 khẳng định biện pháp này có hiệu quả cao. Điều này minh chứng rằng việc xác định nhu cầu TVHN cho HS THPT trước khi Hiệu trưởng tổ chức và chỉ đạo về việc thực hiện hoạt động tư vấn hướng nghiệp theo nhu cầu tư vấn hướng nghiệp của học sinh trung học phổ thông đem lại hiệu quả trong quản lí. Như vậy, bốn biện pháp được đề xuất đã khắc phục những hạn chế, bất cập đã nêu ở trên trong quá trình nghiên cứu khảo sát thực trạng, và góp phần nâng cao hiệu quả quản lí hoạt động và nâng cao chất lượng TVHN cho HS THPT ở miền Đông Nam Bộ.