A. MỞ ĐẦU
Tên tác giả: Nguyễn Phan Quang
Tên luận án: “Quản lý đào tạo các chương trình chất lượng cao trình độ đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội”.
Chuyên ngành đào tạo: Quản lý giáo dục
Mã số: 9 14 01 14
Cơ sở đào tạo: Học viện Quản lý Giáo dục
B. NỘI DUNG
1. Mục đích nghiên cứu:
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận về quản lý đào tạo các chương trình chất lượng cao trình độ đại học, luận án khảo sát, phân tích và đánh giá thực trạng để tìm ra những ưu điểm và hạn chế về đào tạo, quản lý đào tạo các chương trình chất lượng cao trình độ đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN. Trên cơ sở đó, luận án đề xuất các giải pháp quản lý đào tạo các chương trình chất lượng cao trình độ đại học ở ĐHQGHN nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trình độ đại học đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong thực tiễn xã hội hiện nay.
2. Đối tượng nghiên cứu:
Quản lý đào tạo các chương trình chất lượng cao trình độ đại học ở ĐHQGHN.
3. Phương pháp nghiên cứu:
3.1. Các phương pháp nghiên cứu lý luận
– Phương pháp nghiên cứu tài liệu để phân tích và tổng hợp chọn lọc các quan điểm, lý luận khoa học có liên quan đến vấn đề nghiên cứu của luận án để thu thập thông tin, phân tích, tổng hợp; hệ thống hóa, khái quát hóa tài liệu để tìm hiểu, làm rõ cơ sở lý luận về quản lý đào tạo các chương trình chất lượng cao trình độ đại học.
– Phương pháp tổng kết kinh nghiệm từ các nghiên cứu như sách chuyên khảo, tạp chí, luận án, luận văn trong và ngoài nước liên quan đến đề tài; tổng hợp, khái quát hóa để xây dựng hệ thống khái niệm.
3.2. Các phương pháp nghiên cứu thực tiễn
– Phương pháp điều tra bằng bảng hỏi: Sử dụng bộ câu hỏi gồm những nội dung dành cho lãnh đạo, cán bộ, giảng viên và các câu hỏi dành cho sinh viên ở ĐHQGHN.
– Phương pháp quan sát: Tập trung quan sát cách thức tổ chức quản lý đào tạo để nắm tình hình và kết quả đạt được của việc quản lý đào tạo các chương trình chất lượng cao trình độ đại học ở ĐHQGHN. Trên cơ sở đó, luận án có thêm tư liệu phục vụ việc phân tích, tổng hợp, nhận định đối với vấn đề nghiên cứu.
– Phương pháp chuyên gia: Phỏng vấn một số chuyên gia, cán bộ quản lý, giảng viên có kinh nghiệm để tìm hiểu lý luận và thực tiễn về vấn đề cần nghiên cứu nhằm làm sáng tỏ hơn nội dung nghiên cứu bằng phương pháp điều tra.
– Phương pháp nghiên cứu sản phẩm: Nghiên cứu kết quả đào tạo các chương trình chất lượng cao, chuẩn đầu ra đã ban hành của một số trường đại học; nghiên cứu quy trình tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện chương trình chất lượng cao, bản mô tả chương trình chất lượng cao trình độ đại học.
– Phương pháp tổng kết kinh nghiệm: Tổng kết kinh nghiệm từ các nhà quản lý, giảng viên, kinh nghiệm từ thực tiễn về đào tạo và quản lý đào tạo chương trình chất lượng cao trình độ đại học.
– Phương pháp khảo nghiệm và thử nghiệm: Tổ chức khảo nghiệm tính cần thiết và khả thi của các giải pháp đã đề xuất, từ đó tiến hành thử nghiệm nhằm kiểm chứng độ tin cậy và tính khả thi của các giải pháp quản lý đào tạo các chương trình chất lượng cao trình độ đại học ở ĐHQGHN.
3.3. Các phương pháp bổ trợ
Luận án sử dụng phương pháp toán thống kê để tính số lượng % và điểm trung bình, để xử lý các số liệu nhằm phân tích, tổng hợp kết quả điều tra với mục đích bảo đảm tính khách quan trong nghiên cứu.
4. Những kết quả chính của luận án:
4.1. Về lý luận
Luận án hệ thống hóa những vấn đề lý luận về quản lý đào tạo các chương trình chất lượng cao trình độ đại học tại các trường đại học hiện nay; đưa ra các khái niệm công cụ nghiên cứu của luận án như: khái niệm đào tạo, quản lý đào tạo, chương trình chất lượng cao và quản lý đào tạo các chương trình chất lượng cao trình độ đại học. Luận án phân tích đặc điểm của chương trình chất lượng cao trong phân tầng đào tạo và sự khác nhau giữa quản lý đào tạo các chương trình chất lượng cao trình độ đại học với các chương trình đào tạo khác.
Luận án phân tích và làm sáng tỏ cơ sở khoa học, các cách tiếp cận trong quản lý đào tạo các chương trình chất lượng cao trình độ đại học ở các trường đại học, nội dung quản lý đào tạo chương trình chất lượng cao, phân cấp quản lý các chương trình chất lượng cao và nội dung quản lý đào tạo các chương trình chất lượng cao trình độ đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Đồng thời, luận án luận cũng phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý đào tạo các chương trình chất lượng cao trình độ đại học ở ĐHQGHN hiện nay.
4.2. Về thực tiễn
Luận án khảo sát, phân tích và mô tả bức tranh thực trạng quản lý đào tạo các chương trình chất lượng cao trình độ đại học hiện nay ở ĐHQGHN. Bên cạnh đánh giá những kết quả đã đạt được, luận án còn phân tích những hạn chế, làm rõ những nguyên nhân các chương trình chất lượng cao trình độ đại học chưa thực sự thu hút sinh viên, chưa đáp ứng với nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội. Từ đó, luận án đề xuất các giải pháp có tính thực tiễn và khả thi giúp cho lãnh đạo ĐHQGHN và các cơ sở đại học có điều kiện tương tự vận dụng hiệu quả trong quản lý đào tạo các chương trình chất lượng cao trình độ đại học. Đồng thời, luận án còn khẳng định tính đúng đắn, tính khả thi của các giải pháp đã được đề xuất thông qua kết quả thử nghiệm, kết hợp với sự đánh giá của các nhà khoa học, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và sinh viên và đặc biệt là những nhà tuyển dụng sinh viên trong chương trình chất lượng cao sau khi tốt nghiệp.
5. Kết luận:
Luận án nghiên cứu về quản lý đào tạo các chương trình chất lượng cao trình độ đại học ở Đại học Quốc gia Hà Nội đáp ứng yêu cầu của luận án Tiến sĩ chuyên ngành Quản lý Giáo dục. Luận án có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn trong bối cảnh phát triển kinh tế, xã hội hiện nay. Các kết quả nghiên cứu đã giải quyết tốt các nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra trong luận án. Các giải pháp và kết luận cũng như kiến nghị luận án có giá trị, là tài liệu tham khảo hữu ích cho Đại học Quốc gia Hà Nội và các trường đại học khác có điều kiện tương tự.