Tên luận án: Quản lý đào tạo giáo viên trung học cơ sở tại các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
Tên chuyên ngành: Quản lý giáo dục Mã số: 9.14.01.14
Tên nghiên cứu sinh: Hoàng Thị Song Thanh
Người hướng dẫn: PGS.TS. Nguyễn Sỹ Thư và TS. Phạm Quang Sáng
Cơ sở đào tạo: Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
1. Về lý luận
Từ tổng quan nghiên cứu vấn đề đào tạo và quản lí đào tạo giáo viên, luận án đã phát hiện vấn đề chưa được giải quyết trong các công trình nghiên cứu, đó là Mô hình đào tạo và quản lí đào tạo giáo viên THCS theo Mô hình CIPO phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội, tiềm năng ở khu vực Đông Nam Bộ.
Luận án đã xác lập khung lí luận về đào tạo GV THCS, quản lí đào tạo GV THCS đáp ứng yêu cầu của đổi mới GD: Ngoài việc xác lập khái niệm Quản lý đào tạo giáo viên trung học cơ sở đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, luận án đã xác lập cấu trúc của mô hình này ở phạm vi đào tạo GV THCS, trong đó, Yếu tố “đầu vào” bao gồm: Chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra theo yêu cầu của đổi mới GD&ĐT; đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo GV THCS trong bối cảnh hiện nay; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu đào tạo của việc thực hiện CTGDPT mới, công tác tuyển sinh để đảm bảo chất lượng đầu vào;Yếu tố “quá trình” bao gồm: hoạt động dạy và học theo yêu cầu của việc thực hiện CTGDPT mới, kiểm tra – đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực người học, phối hợp với các cơ quan tuyển dụng, cơ sở GD phổ thông để tăng cường chất lượng đào tạo; Yếu tố “đầu ra” bao gồm: đánh giá kết quả đào tạo, hỗ trợ người học trước khi ra trường để đảm bảo các yêu cầu năng lực ngành nghề trong thực tiễn và thông tin kịp thời về tuyển dụng, phối hợp với cơ quan tuyển dụng và cơ sở GD phổ thông để thu nhận thông tin phản hồi nhằm điều chỉnh các nội dung đào tạo. Bên cạnh đó, Yếu tố “bối cảnh” cũng tác động trực tiếp đến đào tạo GVTHCS, đó là đổi mới CTGDPT, sự ra đời của Chuẩn nghề nghiệp GV phổ thông, sự cạnh tranh nghề nghiệp đối với nghề dạy học, những yêu cầu đào tạo phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội vùng miền.
Trên cơ sở xác lập các nội dung của đào tạo GV THCS theo Mô hình CIPO, luận án xây dựng nội dung quản lí đào tạo GV theo mô hình này, bao gồm: Quản lí đầu vào; Quản lí quá trình đào tạo; Quản lí đầu ra đào tạo giáo viên trung học cơ sở theo chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; và xem xét các yếu tố tác động đến quản lí đào tạo giáo viên trung học cơ sở đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
2. Về thực tiễn
Từ cơ sở lý luận đó, luận án đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu phù hợp tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng đào tạo giáo viên trung học cơ sở theo chuẩn đầu ra dựa vào năng lực tại các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, bao gồm: Thực trạng hoạt động đảm bảo các thành tố đầu vào; Thực trạng các thành tố quá trình đào tạo; Thực trạng các thành tố đầu ra đào tạo giáo viên trung học cơ sở tại các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ.
Về thực trạng quản lí đào tạo giáo viên trung học cơ sở các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, luận án đã khảo sát, đánh giá khách quan trên các khía cạnh quản lý: Thực trạng quản lí đầu vào đào tạo; Thực trạng quản lí quá trình đào tạo; Thực trạng quản lí đầu ra của cơ sở đào tạo giáo viên trung học cơ sở tại các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ; và thực trạng những yến tố ảnh hưởng đến quản lí đào tạo giáo viên trung học cơ sở tại các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ.
Trên cơ sở lý luận và khảo sát thực trạng, luận án đề xuất 06 biện pháp quản lí đào tạo giáo viên trung học cơ sở tại các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đó là: (1) Tổ chức rà soát điều chỉnh mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo GVTHCS theo yêu cầu đổi mới giáo dục; (2) Phát triển chương trình đào tạo giáo viên trung học cơ sở theo định hướng năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; (3) Chỉ đạo sâu sát đổi mới kiểm tra, đánh giá thực hiện chương trình đào tạo theo định hướng phát triển năng lực nghề nghiệp GV; (4) Phát triển đội ngũ cán bộ quản lí, giảng viên, nhân viên tham gia đào tạo GVTHCS đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; (5) Tạo lập và củng cố mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ quan quản lí nhà nước về giáo dục ở từng địa phương để tăng cường chất lượng đào tạo GVTHCS; (6) Quản lí cơ sở hạ tầng, vật chất và tài chính đảm bảo thực hiện chương trình đào tạo giáo viên trung học cơ sở đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
Các biện pháp đề xuất có tính cấp thiết và khả thi cao, sát hợp với thực trạng quản lý của vấn đề nghiên cứu. Luận án cũng đã triển khai thử nghiệm một biện pháp 1, kết quả khảo nghiệm đảm bảo yêu cầu khoa học.