NHỮNG ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
1. Tên luận án: Quản lý kiến trúc cảnh quan thôn bản truyền thống phục vụ phát triển du lịch ở tỉnh Lào Cai
2. Chuyên ngành: Quản lý đô thị và công trình
3. Mã số: 62.58.01.06
4. Họ tên nghiên cứu sinh: Tô Ngọc Liễn
5. Người hướng dẫn khoa học: GS.TS Đỗ Hậu
6. Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội
Để quản lý khai thác tốt giá trị kiến trúc cảnh quan các thôn bản truyền thống ở tỉnh Lào Cai phục vụ phát triển du lịch bền vững trên cơ sở khắc phục những tồn tại, hạn chế và từng bước quản lý tốt kiến trúc cảnh quan thôn bản truyền thống, luận án đã đề xuất 03 đóng góp mới như sau:
Một là: Trên cơ sở luận án nhân diện được các thôn bản truyền thống có giá trị về kiến trúc cảnh quan, trong đó xem xét đánh giá một cách tổng thể các thành phần (yếu tố) tạo cảnh quan (các vật thể kiến trúc, địa hình, cây xanh, mặt nước v.v.) và đánh giá theo các phương diện giá trị như: Tuổi thọ thôn bản; hình thái xây dựng thôn bản cổ; có nhiều di sản, di tích, công trình cổ vẫn được lưu giữ được đặc trưng truyền thống bản sắc dân tộc trên tổng số các vật thể kiến trúc của thôn bản; di sản nhân tạo; di sản thiên nhiên .v.v. Do vậy, luận án đã đề xuất xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá giá trị kiến trúc cảnh quan thôn bản truyền thống phục vụ phân loại, xếp hạng di tích thắng cảnh. Để tiến hành đánh giá và xếp loại cần phải xây dựng các tiêu chí đánh giá giá trị di sản kiến trúc cảnh quan thôn bản truyền thống.
Hai là: Đề xuất bổ sung, hoàn thiện 6 Giải pháp quản lý chủ đạo kiến trúc cảnh quan thôn bản truyền thống ở Lào Cai phục vụ phát triển du lịch và 3 Mô hình tổ chức bộ máy quản lý kiến trúc cảnh quan thôn bản truyền thống ở tỉnh Lào Cai, cụ thể:
– Đề xuất 6 giải pháp quản lý kiến trúc cảnh quan thôn bản:
(1) Phân loại và xây dựng Bộ tiêu chí về giá trị kiến trúc cảnh quan thôn bản truyền thống.
(2) Hoàn thiện quy hoạch xây dựng và quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan thôn bản truyền thống.
(3) Hoàn thiện quy trình quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch.
(4) Hoàn thiện cơ sở pháp lý, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù.
(5) Tổ chức bộ máy quản lý kiến trúc cảnh quan thôn bản truyền thống.
(6) Khai thác sự tham gia của cộng đồng trong quá trình quản lý kiến trúc cảnh quan thôn bản truyền thống.
– Đề xuất 3 mô hình quản lý kiến trúc cảnh quan thôn bản:
(1) Mô hình tổ chức Ban quản lý Di tích cảnh quan và Du lịch thôn bản truyền thống ở tỉnh Lào Cai (Mô hình cộng đồng tự quản).
(2) Mô hình tổ chức Ban quản lý Di tích cảnh quan và Du lịch thôn bản truyền thống ở tỉnh Lào Cai (Mô hình đơn vị sự nghiệp).
(3) Mô hình tổ chức Công ty (hoặc Doanh nghiệp) quản lý di tích cảnh quan và Du lịch thôn bản truyền thống ở tỉnh Lào Cai (Mô hình Doanh nghiệp quản lý).
Ba là: Đề xuất một số giải pháp áp dụng vào quản lý kiến trúc cảnh quan tại thôn Lao Chải, xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cụ thể:
(1) Giải pháp tổ chức lập, điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch chi tiết xây dựng thôn Lao Chải.
(2) Giải pháp lồng ghép và phối hợp đồng bộ, hợp lý các hoạt động quản lý ngành, lĩnh vực và các chủ thể tham gia quản lý kiến trúc cảnh quan thôn Lao Chải phục vụ phát triển du lịch.
(3) Giải pháp tăng cường năng lực của bộ máy quản lý kiến trúc cảnh quan cho thôn Lao Chải.
(4) Giải pháp tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư thôn Lao Chải.
(5) Giải pháp tăng cường khai thác sự tham gia của cộng đồng thôn.
Việc đề xuất các nhóm giải pháp và mô hình quản lý kiến trúc cảnh quan thôn bản truyền thống phục vụ phát triển du lịch ở tỉnh Lào Cai, trong đó có lấy thôn Lao Chải, xã Y Tý, huyện Bát Xát để áp dụng nghiên cứu là nội dung quan trọng trong công tác quản lý, là cơ sở để các cấp chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp, các nhân và cộng đồng dân cư căn cứ để triển khai thực hiện./.