Tên đề tài: Sử dụng nguồn sử liệu nhà tù Côn Đảo và nhà tù Phú Quốc trong dạy học Lịch sử ở trường THPT (Thực nghiệm sư phạm ở Kiên Giang)
Chuyên ngành: Lý luận và PPDH bộ môn Lịch Sử
Mã số: 62.14.01.11
Nghiên cứu sinh: Lương Văn Khuê
Cán bộ hướng dẫn: 1. GS.TS Nguyễn Thị Côi.
2. PGS.TS Hoàng Thanh Hải
Cơ sở đào tạo: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Những kết luận mới của luận án
– Luận án nghiên cứu theo hướng đổi mới phương pháp dạy học Lịch sử (LS) ở trường Trung học phổ thông nhằm nâng cao hiệu quả bài học và chất lượng dạy học bộ môn trong giai đoạn hiện nay. Việc sử dụng các nguồn sử liệu nói chung, đặc biệt là nguồn sử liệu di tích nhà tù Côn Đảo và nhà tù Phú Quốc có ý nghĩa đặc biệt giúp học sinh (HS) nhận thức sâu sắc, toàn diện kiến thức LS, làm thay đổi nhận thức của xã hội, phụ huynh, HS về vị trí, vai trò của bộ môn LS trong việc hình thành kiến thức, bồi dưỡng phẩm chất và phát triển năng lực HS.
– Những kiến thức từ các nguồn sử liệu của di tích nhà tù Côn Đảo và nhà tù Phú Quốc giúp HS hiểu được mối quan hệ hữu cơ gắn bó giữa Lịch sử dân tộc (LSDT) với Lịch sử di tich nhà tù Côn Đảo và nhà tù Phú Quốc. Học LSDT thông qua các nguồn sử liệu của nhà tù Côn Đảo và nhà tù Phú Quốc làm cho những sự kiện, hình ảnh của LSDT trở nên gần gũi, tạo được sự hấp dẫn, hứng thú, dễ đi vào tâm hồn, tình cảm của HS. Từ đó, góp phần bồi dưỡng niềm tự hào, lòng biết ơn, tôn trọng, kính yêu đối với các anh hùng liệt sỹ, các thế hệ cha ông trong quá trình đấu tranh bảo vệ quê hương, đất nước.
– Từ quá trình nghiên cứu lí luận và thực tiễn, cho thấy các nguồn sử liệu di tích nhà tù Côn Đảo và nhà tù Phú Quốc là một nguồn kiến thức ngoài sách giáo khoa (SGK) có tác dụng khôi phục, làm sáng tỏ, minh họa sinh động cho LSDT. Để đáp ứng việc sử dụng nguồn SL nhà tù Côn Đảo và nhà tù Phú Quốc trong dạy học LS Việt Nam 1930 – 1975 ở các trường THPT, các nguồn sử liệu được phân loại một cách khoa học, phù hợp với nội dung, thời lượng trong chương trình và SGK.
– Trong các hình thức tổ chức dạy học, việc vận dụng phù hợp các biện pháp sư phạm sử dụng nguồn SL nhà tù Côn Đảo và nhà tù Phú Quốc là một yêu cầu có tính định hướng để có hiệu quả sử dụng tốt nhất. Cụ thể, Luận án đề xuất các hình thức sử dụng bao gồm: Sử dụng trực tiếp nguồn SL di tích nhà tù Côn Đảo và nhà tù Phú Quốc trong bài học nội khóa trên lớp; Sử dụng gián tiếp nguồn sử liệu nhà tù Côn Đảo và nhà tù Phú Quốc trong tổ chức ngoại khóa LS. Mỗi hình thức sử dụng chúng tôi đều dẫn ra ví dụ minh họa.
– Thực nghiệm sư phạm (TNSP) các biện pháp cụ thể khi tiến hành bài học LSVN 1930 – 1975 ở trên lớp trường THPT tỉnh Kiên Giang bao gồm: Sử dung linh hoạt, sáng tạo nguồn sử liệu nhà tù Côn Đảo và nhà tù Phú Quốc với tài liệu tham khảo khác để khởi động quá trình nhận thức; Sử dụng các nguồn sử liệu nhà tù Côn Đảo và nhà tù Phú Quốc Kết hợp với tài liệu tham khảo khác để hình thành kiến thức mới; Sử dụng nguồn sử liệu nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc để hướng dẫn học sinh trao đổi, thảo luận để tìm ra bản chất của sự kiện, hiện tượng lịch sử; Tổ chức, hướng dẫn học sinh sưu tầm nguồn sử liệu nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc để mở rộng kiến thức, gắn liền với đời sống xã hội thông qua bài tập về nhà; Sử dụng nguồn sử liệu của nhà tù Côn Đảo và nhà tù Phú Quốc trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh
– Kết quả TNSP từng phần và toàn phần những biện pháp sư phạm đề xuất trong Luận án của tác giả được các thầy cô đồng nghiệp ở các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đánh giá cao, khẳng định được giá trị và tính khả thi của đề tài.